Chiến sĩ mới trưởng thành từng ngày

Cập nhật ngày: 18/04/2021 14:32:26

Những giọt nước mắt tiễn con lên đường nhập ngũ của những người cha, người mẹ cũng là điều dễ hiểu, bởi tâm lý sợ con cực nhọc, vất vả, ăn uống thiếu thốn... Thế nhưng khi lên thăm con tận nơi, mắt chứng kiến cuộc sống quân ngũ, họ cảm thấy vô cùng an tâm. Chiến sĩ mới cũng vậy, cảm giác lo lắng, bỡ ngỡ ngày nào giờ không còn nữa. Đó chính là điều mà chúng tôi cảm nhận được tại Trung đoàn 320, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp sau gần 1 tháng tiếp nhận huấn luyện chiến sĩ mới.


Giờ huấn luyện ném lựu đạn xa trúng đích của chiến sĩ mới

Giúp chiến sĩ hòa nhập

Chiến sĩ mới có cùng một điểm chung, đó là sức trẻ và sự năng nổ, nhiệt thành, khác nhau ở hoàn cảnh sống, trình độ học vấn, nhận thức... Vì vậy, việc quản lý, giáo dục không phải chuyện dễ dàng. Thượng úy Nguyễn Văn Tùng Em - Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 chia sẻ: “Hiện nay, mỗi gia đình thường ít con nên có phần hơi nuông chiều. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính tự lập của thanh niên. Ví như việc chiến sĩ không thể giặt sạch được bộ quần áo của mình hay khi làm cỏ, xới đất trồng rau, quét nhà, xếp nội vụ... anh em tỏ ra lúng túng bởi từ trước giờ ít khi đụng tới”.

Nhiều chiến sĩ ở nhà vốn dĩ lười vận động, bước chân ra đường là ngồi trên xe gắn máy, giờ thì mọi hoạt động đều phải đi bộ, đoạn đường dù không xa nhưng mồ hôi đã đầm đìa. Rồi đến thói quen dùng điện thoại thông minh như vật bất li thân, bây giờ thì không có. Hay một số anh em trước đây thường thức khuya, đêm đầu tiên vào đơn vị cứ trằn trọc không ngủ được. Binh nhì Đỗ Hữu Hiệp - Trung đội 3, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3 tâm sự: “Ở nhà buổi tối tôi thường lướt facebook hoặc chơi game rất khuya. Đêm đầu tiên tại đơn vị tôi không ngủ được. Đêm thứ 2 thì ngủ ngon lành vì ban ngày phải vận động suốt, ăn cũng nhiều hơn...”.

Và điều đặc biệt quan trọng mà đội ngũ cán bộ quản lý các cấp luôn chú trọng, đó là “trang bị” cho chiến sĩ về văn hóa trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Đây là hành trang quí báu để xây dựng và hình thành nhân cách của mỗi quân nhân. Cách xưng hô “bạn”, “ông”, “tui”, “mày”, “tao”... ngày đầu vào đơn vị nay thay bằng hai từ “đồng chí”. Dẫu ban đầu anh em ngượng ngùng khi gọi nhau, nhưng chỉ một vài hôm đã thành quen. Quen bởi tình đồng chí chẳng khác chi anh em một nhà. Nó được thể hiện bởi sự thống nhất từ người chỉ huy cao nhất đến chiến sĩ binh nhì. Hơn thế nữa từ cách nói năng, ứng xử hàng ngày, chiến sĩ được “rèn giũa”, học tập nhằm tạo cho mình một chuẩn mực nhất định khi giao tiếp với những người xung quanh.

Và khi hai từ “đồng chí” trao nhau, trở thành trách nhiệm, là tình thương yêu, rồi những sai sót, hạn chế được khắc phục để ngày càng tiến bộ. Binh nhì Lương Thanh Nghĩa - Tiểu đội 6, Trung đội 14, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3 kể: “Lúc đầu mới nhập ngũ, cứ quen miệng chửi thề hay phát ngôn thiếu tính chất xây dựng, làm phiền lòng đồng đội. Thế rồi, trung đội trưởng kêu lên phòng và bắt tôi phải học thuộc các nội dung trong lễ tiết tác phong quân nhân, cách xưng hô, chào hỏi. Cũng từ lần ấy, bản thân tôi tự thấy cần phải sửa đổi. Ban đầu cũng khó khăn, nhưng rồi nhờ đồng đội cùng với sự cố gắng của bản thân, tôi đã khắc phục được khuyết điểm này một cách triệt để”.


Chiến sĩ mới luyện tập ngắm súng Tiểu liên AK

Cán bộ phải là điểm tựa vững chắc cho chiến sĩ

Qua trao đổi với các cán bộ Trung đoàn 320, năm nào tiếp nhận chiến sĩ mới, anh em cán bộ ai nấy cũng rất vất vả. Nhưng lo nhất là việc quản lý, giáo dục. Lo chiến sĩ tư tưởng chưa thông, vắng mặt trái phép; lo chiến sĩ “va chạm” nhau trong sinh hoạt hàng ngày dẫn đến mất đoàn kết...

Và để những điều lo lắng không thành hiện thực, theo Đại úy Lê Trần Đức Duy - Chính trị viên Tiểu đoàn 502, trong mọi hoạt động, đội ngũ cán bộ phải luôn bám bộ đội, vừa hướng dẫn vừa chú ý quan sát để có sự điều chỉnh lời ăn tiếng nói cũng như hành vi của chiến sĩ đúng chừng mực, tránh những việc đáng tiếc xảy ra.

Đại úy Lê Trần Đức Duy lý giải: “Thanh niên trước khi vào môi trường quân đội mỗi người có nếp sống khác nhau nên không phải trong một sớm một chiều mà quen được. Mặt khác, khi cái gì cũng mới, cũng lạ lẫm, buộc anh em nhìn vào “gương” của cán bộ để học tập, làm theo. Nói vậy không phải để gò ép tất cả vào khuôn khổ khô cứng mà đó là sự dung hòa trong các mối quan hệ, không quá xuề xòa, nhưng cũng không sách vở, máy móc. Sự gần gũi, sẻ chia của cán bộ quản lý là điều vô cùng quan trọng, bởi nó giúp chiến sĩ thấy tự tin hơn, có thể trải lòng trước những vấn đề trăn trở trong cuộc sống. Để làm được điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là cán bộ Tiểu đội trưởng”.

Chia sẻ về điều này, Trung sĩ Phạm Minh Tuyền - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Trung đội 3, Đại đội 4, Tiểu đoàn 502 nói: “Chiến sĩ mới mỗi người mỗi tính, suy nghĩ, nhận thức khác nhau. Có anh em rất trách nhiệm, tháo vát, giao việc gì cũng thấy an tâm. Ngược lại, một số đồng chí đặng chẳng mừng, mất chẳng lo, cứ phải nhắc nhở hàng ngày. Điều cốt yếu vẫn là nhận thức và tư tưởng của bộ đội. Với những vướng mắc, khó khăn trong thẩm quyền, chúng tôi đều cố gắng giải quyết dứt điểm và giải thích cặn kẽ, thấu đáo mọi vấn đề để anh em thông suốt, tư tưởng thoải mái khi thực hiện nhiệm vụ”.

Cùng với đơn vị, sự hỗ trợ từ phía gia đình cũng là nhân tố quan trọng trong quản lý, giáo dục chiến sĩ mới hiệu quả. Đại úy Nguyễn Đăng Khoa - Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 3 cho biết: “Chúng tôi tranh thủ gặp gỡ gia đình vào những ngày nghỉ lên thăm con em của mình nhằm để kết nối, trao đổi thông tin giúp họ hiểu rõ hơn về môi trường quân đội, về cuộc sống quân ngũ để động viên con em mình an tâm thực hiện nhiệm vụ”.

Vừa thay cha mẹ quản lý, giáo dục, vừa chỉ bảo, hướng dẫn như một người thầy, nhiệm vụ của cán bộ khung huấn luyện chiến sĩ mới của những cán bộ ở Trung đoàn 320 không nhẹ chút nào. Tất nhiên, điều mà các anh mong muốn, đó là chiến sĩ đoàn kết một lòng, tư tưởng ổn định, phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt trong “ngôi nhà lớn” ngập tràn yêu thương.

TRÚC MAI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn