Bình dị - Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kiêu

Cập nhật ngày: 20/05/2017 06:23:36

ĐTO - Bà Nguyễn Thị Kiêu (SN 1905) ngụ ấp Mỹ Đông 3, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh có nhiều người thân tham gia cách mạng, trong số đó, 2 người con đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Bà Nguyễn Thị Kiêu qua đời vào năm 1972 do tuổi cao sức yếu. Bà vừa vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH).


Bà Mai Kim Hương (bên trái) kể về truyền thống cách mạng của gia đình mình

Mẹ Nguyễn Thị Kiêu có 8 người con (con gái thứ 4 đã mất lúc nhỏ vì bị bệnh). Mẹ cùng chồng là ông Mai Văn Hiền nỗ lực lao động nuôi các con nên người. Hiện nay, chỉ còn 3 người con của Mẹ còn sống là ông Mai Văn Châu (người con thứ 3); bà Mai Thị Năm (thứ 5) và bà Mai Kim Hương (thứ 8). Ở tuổi 76, còn khá minh mẫn, bà Mai Kim Hương kể cho chúng tôi nghe về chuyện tham gia cách mạng của những người thân trong gia đình với vẻ đầy tự hào.

Bà Hương nhớ lại: “Lúc trước, cùng với làm ruộng, cha mẹ tôi còn bí mật nuôi chứa cán bộ, nấu cơm, nước phục vụ cho bộ đội ta mỗi khi về đóng quân... Cha tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Mẹ tôi rất thương các con và dành những điều tốt đẹp nhất cho anh em tôi. Tuy nhiên, khi nước nhà còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Mẹ tạo mọi điều kiện và động viên anh em tôi tham gia kháng chiến”.

Noi gương cha mẹ, hầu hết các con của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Kiêu đều tham gia cách mạng. Liệt sĩ Mai Văn Kích (con trai thứ hai) lên đường nhập ngũ khi còn khá trẻ và hy sinh năm 1973 tại Khu căn cứ kháng chiến vườn Ông Huề (nay thuộc xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh). Lúc hy sinh, Liệt sĩ Mai Văn Kích giữ vai trò Huyện ủy viên, Trưởng Công an huyện Kiến Văn. Còn Liệt sĩ Mai Chính Thành (SN 1945) là con trai út của Mẹ cũng tình nguyện lên đường chống giặc ngoại xâm năm 15 tuổi. Ông anh dũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười khi mới 17 tuổi.

Bà Mai Kim Hương cho biết: “Anh thứ 3 của tôi cũng tham gia chống quân xâm lược với nhiệm vụ nghiên cứu, sửa chữa, chế tạo vũ khí. Còn anh thứ 6 - Đại tá Mai Phước Ngọc sau khi tham gia chống đế quốc Mỹ, đất nước hòa bình, anh lại tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Anh 6 tôi là chuyên gia quân sự địa phương Đoàn 7706 (tỉnh Prâyveng) giúp nước bạn Campuchia chống chế độ diệt chủng Pôn-Pốt. Anh ấy đã qua đời nhiều năm nay do bị bệnh”.

Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài chiến trường nhưng các con gái và con dâu của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Kiêu cũng làm cách mạng với những công việc phù hợp như: nuôi chứa cán bộ, nấu cơm nước, may quần áo cho bộ đội... Bà Mai Kim Hương và người chị ruột thứ 5 - bà Mai Thị Năm đều được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn