Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hảnh

Cập nhật ngày: 20/05/2017 06:22:20

ĐTO - Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhiều vết tích của chiến tranh cũng phai dần theo năm tháng, song những mất mát, đau thương của những người mẹ vẫn là vết thương lòng đeo đẳng mãi, bởi chồng và con của mẹ đã vĩnh viễn ra đi, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đó là điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi nhìn vào đôi mắt Mẹ - Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Hảnh (SN 1931).


Các con cháu quây quần chăm sóc Mẹ Lê Thị Hảnh lúc tuổi già

Mẹ Lê Thị Hảnh năm nay đã hơn 85 tuổi và hiện đang sống cùng gia đình người con trai út Nguyễn Văn Thành (SN 1967) trong một căn nhà nhỏ nằm sát Quốc lộ 30 ở khóm 3, phường 11, TP.Cao Lãnh. Tuổi già cùng với bệnh tật làm sức khỏe của Mẹ suy giảm nhiều, nhiều chuyện lúc nhớ lúc quên, nhưng thật lạ, thời gian vẫn không ảnh hưởng được mảng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đôi mắt già nua của Mẹ lại thấm đẫm nỗi nhớ nhung pha lẫn đau thương khi chúng tôi hỏi về chuyện xưa. 

Mẹ là con thứ 2 trong một gia đình cách mạng, người anh trai lớn và em gái út của Mẹ Hảnh đều tham gia kháng chiến và là thương binh ¾. Năm 1947, Mẹ lập gia đình cùng ông Nguyễn Văn Phú (SN 1927) và có một người con trai là Nguyễn Văn Răng (SN 1948).

Ngày ấy, cũng như bao nhiêu người dân yêu nước khác, gia đình Mẹ tham gia nuôi giấu, liên lạc, tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ ở vùng cách mạng. Năm 1950, ông Phú trực tiếp tham gia cách mạng và chiến đấu ở địa phương. Đến năm 1954, Mẹ bàng hoàng khi nhận được tin ông Phú hy sinh trong 1 trận đánh ở địa phương (thuộc xã Mỹ Ngãi bây giờ), lúc đó, ông làm đặc công của Huyện đội Cao Lãnh. Nỗi đau mất chồng khi đứa con trai duy nhất chưa tròn 10 tuổi càng làm tăng thêm nỗi căm thù giặc trong lòng Mẹ.

Năm 1956, Mẹ tái giá và lần lượt có 5 người con cùng ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1923 - 2013) - một trong những đồng đội kiên trung từng có thời gian sát cánh chiến đấu cùng ông Phú. Thời gian sau đó cho đến ngày giải phóng, Mẹ Hảnh cùng gia đình sắm 1 chiếc ghe rồi lênh đênh khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ buôn bán nông sản để kiếm sống và âm thầm tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Dù khó khăn, gian khổ vì chiến tranh loạn lạc, Mẹ vẫn quyết tâm lo cho con các con ăn học đến nơi đến chốn và lặng lẽ đóng góp công sức cho cách mạng.

Năm 1966, thêm một nỗi đau xé lòng khi Mẹ hay tin người con trai lớn Nguyễn Văn Răng hy sinh. Theo lời cô Nguyễn Thị Bé Sáu (SN 1963) - người con gái thứ của Mẹ Hảnh: “Suốt mấy chục năm nay, ngày nào trước khi ăn cơm, mẹ tôi cũng gọi ba Phú và anh Răng về ăn cơm. Mẹ không nhớ rõ ngày mất của hai người nên cứ đến ngày 27/7 - Ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm là Mẹ làm mâm cơm để cúng ba và anh”.

 Hòa bình lập lại, những người con của Mẹ đều có cuộc sống ổn định. Khi nhận được tin Mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Mẹ VNAH”, cả gia đình không giấu được niềm xúc động. Bởi đó như một niềm an ủi to lớn cho những hy sinh thầm lặng của Mẹ, góp phần xoa dịu nỗi đau của Mẹ và sưởi ấm cho hương hồn người đã khuất.

NGÂN NGUYỄN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn