“Mùa gió chướng” và chuyện gần dân, gắn bó với dân

Cập nhật ngày: 28/11/2016 06:21:26

ĐTO - Trong cái lạnh thoảng qua của vài cơn gió chướng đầu mùa, chợt nhớ đến anh năm Bờ, cán bộ Trung ương cục và chị Sáu Linh chỉ huy du kích xã trong tác phẩm văn học - điện ảnh “Mùa gió chướng” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Anh Năm và chị Sáu dù biết có thể bị bắt, tra tấn, tù đày, hy sinh nhưng vẫn trực tiếp đi vào ấp chiến lược, sống với người dân đang bị kềm kẹp để tìm hiểu tình hình, làm công tác binh địch vận, tạo thế ba mũi giáp công, đưa đến giải phóng thắng lợi Chi khu Chợ Vàm.

Mặc dù là hình tượng văn học, nhưng là sự khái quát từ những cán bộ, đảng viên chấp nhận hy sinh, hòa vào nhân dân, cùng nhân dân chiến đấu, vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Gần dân, gắn bó với dân trong chiến tranh là như vậy.

Sau giải phóng, kinh tế cực kỳ khó khăn, nhưng đa số cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ nặng nề khi vận động nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang phục hóa, động viên nhân lực, vật lực bảo vệ biên giới... do đã thực hiện tốt phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), đảng viên đi trước, làng nước theo sau.

Ở Đồng Tháp, bên cạnh việc thực hiện các qui định như đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, lãnh đạo cơ quan nhà nước định kỳ tiếp công dân... thì còn nhiều hình thức khác như: Bí thư cấp ủy tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, chính quyền đối thoại với nhân dân qua sóng phát thanh, cấp ủy viên phụ trách giám sát địa bàn, tổ nhân dân tự quản cộng đồng như là kênh thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn... và “Quán cà phê doanh nhân - doanh nghiệp” thể hiện sinh động việc Đảng, chính quyền địa phương gần dân, gắn bó với dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có chuyện như phản ánh của người dân về việc sử dụng kinh phí tài trợ làm cầu đường không đúng mục đích. Vụ việc chỉ bị xử lý sau khi cấp trên chỉ đạo thanh tra, kiểm tra; trong khi cấp ủy, chính quyền địa phương và ấp có đầy đủ ban bệ, hoạt động trong môi trường hòa bình, không có bom rơi, đạn nổ.

Gần dân, gắn bó với dân trong chiến tranh hay hiện nay về hình thức có thể khác nhau, nhưng bản chất vẫn vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở và là tấm gương về gần dân, gắn bó với dân: Cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại”, “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Từ lịch sử và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nếu mọi cán bộ, đảng viên đều gần dân, gắn bó với dân bằng những việc làm thiết thực sẽ biến nghị quyết của Đảng thành hành động cách mạng của nhân dân.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn