Nhìn lại việc thực hiện thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá công chức

Cập nhật ngày: 17/10/2014 07:17:32

Sau thời gian nghiên cứu, đến nay Đồng Tháp hoàn thành việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá công chức. Cụ thể: đúng quy định về nội dung, quy trình, thẩm quyền đánh giá cán bộ công chức (CBCC) của Luật CBCC; đồng thời có kết hợp thực hiện Quyết định 286-QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế đánh giá CBCC. Chuyển tải toàn bộ nội dung cuộc họp đánh giá CBCC lên phần mềm tin học, qua đó mọi công chức sẽ được biết một cách công khai, rõ ràng mọi việc làm của đồng cấp, cấp dưới và cấp trên nhưng vẫn bảo đảm độ mật của tính chất công việc. Qua phần mềm, mọi công chức được dân chủ đánh giá lẫn nhau. Kết quả đánh giá theo thang điểm 100, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt từ 80 điểm trở lên; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 60 đến dưới 80 điểm; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực đạt từ 50 đến dưới 60 điểm và không hoàn thành nhiệm vụ dưới 50 điểm.

Mục đích của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện đánh giá công chức là để tự công chức thấy kết quả làm việc của mình và phải tự tìm giải pháp khắc phục tình trạng làm việc kém năng suất. Trách nhiệm người thủ trưởng một phòng cấp huyện hay một phòng cấp tỉnh phải tự có kế hoạch điều chỉnh, phân công cho hợp lý giữa công chức nhiều và ít việc hoặc công việc của công chức nào nên ghép với công chức nào. Sau thời gian thực hiện, phần mềm sẽ giúp người lãnh đạo biết một cách khoa học về biên chế của từng bộ phận, từng cơ quan và từng cấp; nhất là xác định rõ ràng vị trí việc làm của từng công chức, từng bộ phận, từng cơ quan...

Tháng 9/2014 là tháng cuối của việc thực hiện thử nghiệm, tuy nhiên số công chức vào kê khai công việc và đánh giá mới đạt khoảng 32%. Kết quả đó cho thấy lực lượng ủng hộ, đồng tình cách làm mới còn quá ít. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Đối chiếu với cách Đồng Tháp đang thực hiện thử nghiệm, nếu khi Chính phủ ban hành Nghị định thì việc điều chỉnh cho phù hợp sẽ không khó, đồng thời sẽ mang nét riêng của địa phương.

Sau 5 tháng thực hiện thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ thông tin để đánh giá công chức còn gặp rất nhiều rào cản, trong đó có tâm lý khi đã vào công chức thì rất an toàn, ai cũng có công việc nhưng ai nhiều và ít việc, năng suất, chất lượng ra sao thì khó ai biết, hoặc nếu biết thì ít ai dám nói đúng sự thật. Cuối năm công chức hầu hết được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những người đã bị kỷ luật mới bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Còn đánh giá, phân loại “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” thì phải nói rõ, cụ thể công chức đó hạn chế về nội dung gì. Do vậy khi chuyển sang cách làm mới thì những công chức ít việc, kém năng lực sẽ bị mọi người nhận biết, đây là rào cản quan trọng vì sẽ đụng đến nhiều người, nhiều cấp. Bên cạnh đó, nhiều công chức còn hạn chế về sử dụng tin học văn phòng nên khi thực hiện các thao tác trên phần mềm tin học sẽ lúng túng.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện đánh giá công chức là việc làm mới, theo xu hướng phát triển tất yếu của khoa học và xã hội. Trách nhiệm của Sở Nội vụ là sẽ báo cáo, đề xuất với lãnh đạo tỉnh những yếu tố thuộc về khách quan, chủ quan và chờ quyết định của cấp có thẩm quyền.

Phan văn Tiếu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn