Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020

Cập nhật ngày: 08/12/2018 15:48:59

ĐTO - Ban Chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa phát động trong toàn tỉnh Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp. Do vậy Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

Năm 1990, Việt Nam lần đầu tiên phát hiện trư­ờng hợp nhiễm HIV, nhưng từ đó đến nay đã có hàng trăm nghìn ngư­ời nhiễm bệnh. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, đến nay cả nước có tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 208.775 người, bệnh nhân AIDS còn sống 90.493 người, chết do AIDS là 95.567 người.

Theo các chuyên gia, số ngư­ời bị nhiễm đã thống kê còn ít hơn nhiều so với thực tế. Rõ ràng, HIV/AIDS đã và đang trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển của đất n­ước và cuộc sống của mỗi chúng ta.

Tại tỉnh Đồng Tháp tính đến tháng 10/2018, tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện là 6.910 trường hợp, trong đó số người chuyển thành AIDS là 3.105 trường hợp, đã tử vong 1.474 trường hợp. Số trường hợp mới nhiễm được phát hiện trung bình khoảng từ 20 trường hợp/tháng (giảm so với năm 2017 khoảng 30 trường hợp/tháng). Có thể nhận thấy dịch HIV/AIDS ở Đồng Tháp trong những năm gần đây có dấu hiệu dừng lại, nhưng vẫn còn tiềm tàng những nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Đối tượng và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS tại Đồng Tháp đa dạng từ các nhóm gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, bệnh nhân mắc các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, nhóm người thường xuyên qua lại biên giới.

Những năm gần đây đã xuất hiện thêm nhóm đồng tính nam (MSM) nhiễm HIV tương đối cao. Tuy nhiên, đặc biệt nguy cơ cao bị lây nhiễm và đe dọa lây lan sang cộng đồng là từ nhóm gái mại dâm, do các hoạt động mại dâm khá phức tạp, trá hình và biến động, chưa thể kiểm soát được. Nhìn chung, hình thức lây truyền HIV/AIDS chủ yếu là qua đường tình dục khác giới và đồng giới, tương đồng với hình thái dịch HIV của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phòng, chống HIV/AIDS phải được xem là một trong những nhiệm vụ ư­u tiên đối với phát triển kinh tế - xã hội và có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức cùng với mọi cá nhân trong xã hội tham gia. Tại lễ phát động, ông Trần Văn Lườm – Phó Giám đốc Sở Y tế kêu gọi: “Nhân dân toàn tỉnh tham gia, hưởng ứng tích cực Tháng cao điểm chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đảm bảo cho sự phát triển của tỉnh cũng như đảm bảo sự ổn định của xã hội. Đã đến lúc chúng ta cam kết hành động để tiếp tục hỗ trợ ngày một thiết thực và hiệu quả hơn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng và đảm bảo rằng mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS thành công”.

Mục tiêu của “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS”:

Tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn