Tình hình bảo vệ trẻ em có nhiều cải thiện

Cập nhật ngày: 08/05/2015 13:55:51

Nhờ triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em (BVTE) tỉnh giai đoạn 2011-2015 và lồng ghép các chương trình, chính sách hiện có trong tỉnh nên đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình BVTE trong thời gian qua, nhất là các trường hợp trẻ em (TE) bị xâm hại, xao nhãng, ngược đãi đã được các địa phương phát hiện báo cáo và phối hợp can thiệp giúp các em sớm vượt qua khó khăn, được hưởng quyền cơ bản của TE. Công tác truyền thông về BVTE được đẩy mạnh về chiều rộng và chiều sâu, người dân nâng cao nhận thức về quyền TE; gia đình, xã hội có thay đổi hành vi theo hướng tích cực.


Học sinh thi vẽ tranh trên quạt

Ngoài tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, hàng năm tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì TE tại tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố với các chủ đề hướng đến một xã hội không bạo lực, xâm hại TE, không có TE nghèo khó thất học; thực hiện 720 băng khẩu hiệu tuyên truyền về các chủ đề BVTE. Ngành lao động, thương binh và xã hội phối hợp các địa phương lắp đặt 290 pa nô có nội dung về BVTE; in ấn, cấp phát 405.120 tờ rơi tuyên truyền về phòng ngừa xâm hại TE, TE lang thang, TE lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, TE vi phạm pháp luật, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước TE cho gia đình TE và cộng đồng; thành lập và hỗ trợ hoạt động Điểm tư vấn cộng đồng BVTE tại 12 xã, phường và 6 điểm trường học của TP.Cao Lãnh và TX.Hồng Ngự. Tỉnh đầu tư công tác truyền thông đa dạng với nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế như truyền thông, tư vấn trực tiếp tại khóm, ấp, trường học, giúp người dân và TE dễ dàng tiếp cận các thông tin về bảo vệ và chăm sóc TE. Đến năm 2014, toàn tỉnh đạt 80% gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về BVTE (theo kế hoạch đã đề ra, đến cuối năm 2015 đạt chỉ tiêu là 90%).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ làm công tác BVTE cấp huyện, xã và cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác BVTE về nhu cầu cần nâng cao năng lực để biên soạn nội dung, chương trình tập huấn phù hợp theo từng nhóm đối tượng. Ngoài ra, khi triển khai các hoạt động của Dự án bạn hữu TE, được chuyên gia từ các bộ, ngành Trung ương đến tập huấn các kiến thức mới về tư pháp với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, kỹ năng quản lý trường hợp, kỹ năng làm việc với TE khuyết tật... góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của công tác BVTE tại địa phương.

Hàng năm và 6 tháng, tỉnh có văn bản hướng dẫn hoạt động của Hệ thống BVTE từ tỉnh đến huyện và xã thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất phù hợp với tình hình thực tế nhằm cung cấp các dịch vụ BVTE theo 3 cấp độ từ phòng ngừa TE bị xâm hại, TE rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), đến việc phát hiện và giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến TE bị xâm hại, TE rơi vào HCĐB, cũng như trợ giúp phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho TE có HCĐB.

Đến nay, tỉnh đã đạt chỉ tiêu: 50% huyện, thị xã, thành phố xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả Hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE. Ban Điều hành Hệ thống BVTE tỉnh, huyện họp hàng quí/lần báo cáo kết quả bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường giám sát địa bàn có nhiều trẻ em HCĐB, dự các cuộc họp giao ban của Ban BVTE các xã 2 lần/quí để hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn, cung cấp chia sẻ thông tin về tình hình BVTE cho cán bộ các ngành có liên quan cùng tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của TE (khai sinh, hộ khẩu, chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp TE gặp khó khăn, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp giáo dục, học nghề, vay vốn, trợ giúp nhà ở, truyền thông, tư vấn cho gia đình nâng cao trách nhiệm và kiến thức BVTE...).

Từ năm 2011, tỉnh triển khai cho các huyện, thị xã, thành phố rà soát và quản lý 8.591 trẻ em có HCĐB tại cơ sở. Đến tháng 3/2015, các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành rà soát, thu thập thông tin tình hình TE có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB: toàn tỉnh có 7.530 TE có HCĐB (giảm 1.061 trẻ so với đầu kỳ) và 4.852 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB (giảm 510 trẻ so với đầu kỳ).

Đến nay, tỉnh đã đạt các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2011-2015 là: giảm tỷ lệ trẻ em có HCĐB xuống dưới 3,3% so với tổng số trẻ em; 85% trẻ em có HCĐB nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 70% trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB được phát hiện can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào HCĐB; 95% trẻ em được phát hiện bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp; đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật xuống dưới 10/10.000.

TN

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch BVTE tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt là trên 36,2 tỷ đồng, đã thực hiện trên 30,3 tỷ đồng, đạt 84%, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vận động, viện trợ.

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn