Tháp Mười: Giúp đỡ người từng vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng

Cập nhật ngày: 22/06/2016 13:08:53

ĐTO - Huyện Tháp Mười đã thực hiện nhiều biện pháp để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay... để giúp họ ổn định cuộc sống.

Anh Phạm Văn C., ngụ khóm 1, thị trấn Mỹ An, trước đây từng vi phạm pháp luật về tội cố ý gây thương tích. Sau thời gian chấp hành án phạt tù, anh trở về địa phương, được người thân động viên, giúp đỡ, anh phụ gia đình buôn bán, sau đó kết hôn, cuộc sống ổn định, không trở lại con đường cũ.

Anh Nguyễn Văn P., ngụ xã Trường Xuân, trước đây từng vi phạm pháp luật, sau khi mãn hạn tù, trở về nhà, anh được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò, nhưng do thu nhập không cao nên anh quyết định đi Tiền Giang làm công nhân để thoát khỏi cuộc sống khó khăn.

Anh P. chia sẻ: “Tôi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để xin hồ sơ xin làm việc tại Tiền Giang. Được Phòng giới thiệu, giúp đỡ, tôi quyết định đi làm công nhân để có tiền lo cho vợ, con, gia đình, quên hết chuyện lầm lỗi cũ...”. Đây là 2 trong số 1.028 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú đang được quản lý của huyện Tháp Mười. Trong đó, tiếp nhận từ năm 2012 đến nay là 459 người, có 255 người được mời đến trụ sở công an hướng dẫn thủ tục xóa án tích, 16 trường hợp hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú, 32 trường hợp hướng dẫn thủ tục cấp lại giấy chứng minh nhân dân.

Để cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến người từng vi phạm pháp luật, các hội, đoàn thể huyện phối hợp với Tổ tuyên truyền Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng được 42 cuộc, với 2.010 người tham dự, đồng thời phối hợp dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương để tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

Các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp, phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giáo dục pháp luật, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương nhằm giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ các điều kiện hoạt động phạm tội. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các xã, thị trấn khảo sát người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ cho 1 người (8 triệu đồng), hỗ trợ vốn mua bán cho 1 người (10 triệu đồng), 10 người được tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm trong, ngoài huyện được 30 người.

Công an huyện phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã thẩm định hồ sơ, giải ngân cho 28 người vay vốn với số tiền hơn 600 triệu đồng; thành lập mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương” tại xã Mỹ Quý với 8 thành viên là thanh niên vi phạm pháp luật, người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tham gia.

Thực tế cho thấy, đa số người vi phạm pháp luật, chấp hành xong án phạt tù đều ở tuổi thanh thiếu niên, có trình độ học vấn thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, không nghề nghiệp, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh; một số nghề đào tạo trong trại giam khi về địa phương lại không phổ biến, không phù hợp với thực tế; việc tiếp nhận, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá trở về địa phương chưa được chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt cho việc tái hòa nhập; nhiều người dân vẫn còn tâm lý kỳ thị đối với người sau khi chấp hành xong án phạt tù.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn