Tháp Mười duy trì, phát triển hoạt động đào tạo nghề nông thôn

Cập nhật ngày: 25/07/2016 10:19:10

ĐTO - Tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân lực tại địa phương, UBND huyện Tháp Mười đã duy trì, phát triển hoạt động đào tạo nghề nông thôn tạo việc làm, mang đến thu nhập cho người lao động trong thời gian nhàn rỗi.


Người dân xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười với nghề đan lục bình

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tháp Mười chỉ mới thành lập các tổ hợp tác (THT) liên kết trong sản xuất gia công như THT liên kết hàng thủ công mỹ nghệ, THT liên kết công nhân xây dựng, giống nông hộ, chăn nuôi. Dù chưa được công nhận làng nghề, nhưng UBND huyện đã chủ động phối hợp cùng các hội đoàn thể liên kết với nhau, duy trì, phát triển hoạt động đào tạo nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời mở các lớp nghề theo nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, thị trường lao động trong nước. Trong đó, có các lớp dạy nghề phi nông nghiệp tạo thu nhập ổn định. Từ năm 2006-2015, toàn huyện Tháp Mười đã mở 302 lớp dạy nghề nông thôn với 9.075 học viên tham dự. Hầu hết các lớp dạy nghề nông thôn đều được tổ chức đến tận xã, cụm, tuyến dân cư nhằm giúp người dân tiếp cận được với các nghề. Các nghề được mở do người dân tự đề xuất liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, giống nông hộ, trồng rau theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật nuôi cá, nuôi ếch. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để đào tạo nghề liên quan đến các sản phẩm lục bình, ghế mây, kỹ thuật sửa kiểng Bonsai, may công nghiệp, nấu ăn, đàn cổ nhạc, sửa chữa máy phun xịt thuốc, vận hành máy gặt đập liên hợp. Sau thời gian học nghề, người lao động có thể tự tạo việc làm với thu nhập từ 1,8 triệu đồng đến trên 3 triệu đồng/tháng.

Có hơn 100 lao động sau học nghề được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Người lao động có thể làm việc tại Công ty sản xuất máy phục vụ nông nghiệp Phan Tấn, Công ty Tỷ Thạc, Công ty may Khánh Linh thành lập nhiều tổ liên kết sản xuất gia công, tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn.

Ngoài những thuận lợi, công tác đào tạo nghề tại huyện Tháp Mười vẫn còn gặp 1 số khó khăn như công tác tuyên truyền chưa tác động đến ý thức của người dân trong việc chủ động học nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm sau khi học nghề. Các chính sách hỗ trợ cho đối tượng học nghề còn thấp, mức hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày, trong khi thu nhập dành cho lao động phổ thông hiện tại ở mức 100.000 - 150.000 đồng/ngày nên người lao động chưa tự giác chọn học nghề mà chọn đi làm thuê để kiếm sống hàng ngày.

Để tránh lãng phí khi đào tạo nghề không phù hợp với nhu cầu xã hội, UBND huyện Tháp Mười, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội trực tiếp tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người dân tại các xã, thị trấn trong huyện; ghi nhận người dân muốn học nghề gì, hướng giải quyết việc làm như thế nào để mở các lớp nghề. Do đó, đa số nghề nông thôn của huyện Tháp Mười gắn với lĩnh vực nông nghiệp. Tại xã Thanh Mỹ với thế mạnh là nghề đan lục bình, nghề sửa bình xịt...

Với mục tiêu đào tạo 8.000 lao động trong giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên đào tạo nghề phi nông nghiệp, UBND huyện, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các hội, đoàn thể vận động thanh niên, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các hoạt động học nghề tại Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười; chủ động tìm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Duy trì, củng cố, mở rộng các THT nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tiếp tục kiến nghị tăng tiền ăn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo để người nghèo, cận nghèo chủ động tiếp cận với các lớp nghề cho lao động nông thôn.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn