Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài:

Phấn khởi và tiếp tục phấn đấu

Cập nhật ngày: 14/01/2019 09:53:37

ĐTO - Sở Lao động, Thương binh xà Xã hội vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác đưa lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2018. Đại biểu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan cấp xã, huyện, tỉnh, công ty xuất khẩu LĐ, đại diện gia đình có LĐ đi làm việc ở nước ngoài... đều rất phấn khởi với kết quả ấn tượng trong năm qua, tiếp tục khẳng định hiệu quả sự quyết tâm, phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình trọng tâm này.


Tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 19 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2018

Năm qua, toàn tỉnh có 2007 LĐ xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (824 nữ) đạt 200,7% kế hoạch năm. Thị trường LĐ đến làm việc gồm: Nhật Bản 1.337 LĐ, Đài Loan 498 LĐ (có 199 người tham gia chương trình vừa học vừa làm tại Trường Đại học Minh Tân – Đài Loan), Hàn Quốc 98 LĐ (có 65 LĐ làm việc theo mùa vụ, thời gian 3 tháng), Malaysia 11 LĐ và thị trường khác 63 LĐ (gồm: Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc, Mỹ). Việc làm của người LĐ tập trung những ngành nghề chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trang trí nội thất, cơ khí, chế biến thủy sản, điện tử...

Có 12/12 huyện, thị xã, thành phố thực hiện đạt vượt chỉ tiêu tỉnh giao; 100% xã, phường, thị trấn có LĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài; 142/144 xã, phường, thị trấn thực hiện đưa từ 4 LĐ trở lên đi làm việc ở nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, số LĐ đang theo học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và trúng tuyển chờ xuất cảnh là 521 (Nhật Bản 508 LĐ, Đài Loan 8 LĐ, Hàn Quốc 5 LĐ).

Tổng số kinh phí hỗ trợ cho người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2018 gần 130 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp trên 56,5 tỷ đồng, nguồn vốn thu hồi trên 72,6 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương 550 triệu đồng.

Qua các chuyến đi khảo sát thực tế của đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh, đánh giá điều kiện làm việc, sinh hoạt, đời sống và thu nhập của người LĐ làm việc tại các thị trường LĐ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc trong thời gian qua là khá ổn định. Người LĐ làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc có mức thu nhập bình quân khoảng 27 triệu đồng/người/tháng, sau khi đã trừ các khoản phí cần thiết, mỗi LĐ tích lũy khoảng 20 triệu đồng/người/tháng gửi về gia đình; làm việc tại Malaysia có mức thu nhập bình quân là 8 triệu đồng/người/tháng. Riêng số LĐ đi làm việc theo mùa vụ 3 tháng tại Hàn Quốc sau khi về nước, trừ các khoản chi phí mỗi LĐ có thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người; LĐ làm việc tại Đài Loan có mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng.

Số LĐ tỉnh Đồng Tháp cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nhật Bản tính đến ngày 31/12/2018 là 112 LĐ. Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm hiện tại, số LĐ đã về nước, được gia hạn hợp đồng và được nhập quốc tịch là 16 LĐ; 96 LĐ còn lại phải vận động về nước, trong đó Hàn Quốc 86 LĐ, Nhật Bản 10 LĐ.

Dù luôn nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cấp, ngành, nhưng công tác đưa người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn những hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền ở một số địa phương chưa thực hiện thường xuyên, liên tục; chưa tập trung tuyên truyền, tư vấn các đối tượng có nhu cầu, có đủ điều kiện về sức khỏe, trình độ... để đi làm việc ở nước ngoài. Còn nhiều xã chưa thật sự nhiệt tình tổ chức vận động LĐ tham gia các phiên giao dịch việc làm nói chung và các phiên chuyên đề về đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, nên số lượng và chất lượng người tham dự còn hạn chế.

Công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động LĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhiều địa phương chưa thực hiện thường xuyên, nên kết quả tuyên truyền, vận động còn hạn chế, chưa thuyết phục cao. Việc theo dõi, nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, sinh hoạt, đời sống của người LĐ ở nước ngoài và theo dõi nguồn ngoại tệ gửi về còn hạn chế, chủ yếu nắm thông tin qua các đơn vị, doanh nghiệp đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Công tác quản lý LĐ khi hết hạn hợp đồng cũng chưa được chặt chẽ, tình trạng người LĐ hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp đã và đang xảy ra. Nhiều LĐ sau khi hết hạn hợp đồng về nước không thông báo với địa phương hoặc cơ quan quản lý LĐ để được tư vấn, giới thiệu việc làm...

Năm 2019, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu đưa ít nhất 1.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài; 144 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Ông Bùi Thành Nhơn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, mặc dù năm qua công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng so với nhiều địa phương khác trong nước thì kết quả này chưa cao, các ngành, đơn vị liên quan, các địa phương không nên thỏa mãn mà tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh công tác này. Thị trường LĐ Nhật Bản những năm tới được đánh giá vẫn là chủ lực, nên cần giáo dục LĐ chấp hành tốt qui định, hạn chế thấp nhất tình trạng LĐ hết hạn hợp đồng không về nước nhằm nâng cao uy tín LĐ Đồng Tháp...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn