Những người con giữ tròn đạo hiếu

Cập nhật ngày: 14/08/2019 09:37:43

ĐTO - Trong cuộc sống thường ngày ở Đất Sen hồng xuất hiện không ít những người con chí hiếu, ngày đêm chăm lo cho cha mẹ, nhất là lúc ốm đau. Xuất phát từ tình thương nên dù nghèo khó hay sang giàu, họ vẫn có cách riêng để báo đáp công ơn cha mẹ.


Vợ chồng chú Bùi Văn Tim giúp cha mẹ sửa lại mái hiên trước nhà

Ở xã Bình Tấn (huyện Thanh Bình), nhiều người biết đến tấm lòng hiếu hạnh của vợ chồng chú Bùi Văn Tim (SN 1956) và cô Nguyễn Thị Tấm (SN 1963) ngụ ấp 1. Mới từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Bình về, chú Tim cho hay: “Mẹ bị bệnh, suốt 4 ngày qua tôi ở bệnh viện để chăm sóc bà. Nay mẹ xuất viện, tôi mới về nhà”. Rất nhiều năm nay, chú Tim là người “đồng hành” mỗi khi cha mẹ đi khám bệnh hay nằm điều trị dài ngày tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Là đàn ông nhưng chú Tim rất khéo trong việc nuôi bệnh, từ giặt giũ quần áo, vệ sinh cá nhân đến chuyện ăn uống của cha mẹ đều do chú đảm trách. Còn vợ chú Tim cũng rất mực kính trọng, yêu thương cha mẹ chồng, quán xuyến tốt việc gia đình để chồng an tâm đi lo cho cha mẹ.

Chị Nguyễn Thị Duy Linh ở gần nhà chú Tim cho hay: “Vợ chồng chú Tim được nhiều người quý mến bởi tính tình hiền lành, hiếu thảo với cha mẹ. Vợ chồng chú thường là người trực tiếp chăm sóc cha mẹ mỗi khi đau yếu”. Dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng vợ chồng chú Tim luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho cha mẹ già. Mỗi khi giăng câu, thả lưới bắt được con cá ngon, vợ chồng chú nhất quyết không bán mà đem về cho cha mẹ dùng. “Đối với tôi, chữ hiếu phải làm đầu. Lúc nhỏ, cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ mình thì giờ mình phụng dưỡng lại là lẽ đương nhiên thôi. Năm nay, cha mẹ tôi cùng 84 tuổi, thường xuyên đau ốm. Nếu cho tôi lựa chọn, tôi sẵn sàng chịu cực khổ, miễn sao cha mẹ còn sống bên mình” - chú Bùi Văn Tim bộc bạch.


Từ nhiều năm nay, anh Trần Thanh Mộng phụng dưỡng cha mẹ bị bệnh nặng

Ở tuổi 30, anh Trần Thanh Mộng ngụ ấp 6, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện vợ con. Bởi kinh tế gia đình quá khó khăn nhưng phần nhiều vì anh muốn toàn tâm toàn ý chăm sóc cha mẹ già đang đau yếu. Cha anh Mộng - ông Trần Văn Hoàng bị tai nạn, liệt hai chân, không thể đi đứng suốt 19 năm qua. Cách nay hơn 3 năm, sau cơn tai biến mạch máu não, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Hồng Pha cũng nằm liệt một chỗ, tâm trí lúc tỉnh lúc mê, không tự chủ việc tiêu tiểu. Cả hai người con lớn đều ở xa, kinh tế cũng chẳng khá giả, mọi sinh hoạt cá nhân của ông Hoàng, bà Pha đều trông cậy vào anh con trai út Trần Thanh Mộng. “Trong khả năng của mình, cố gắng hết sức để phụng dưỡng cha mẹ, làm tròn đạo làm con. Lúc đầu, việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho cha mẹ làm chưa quen, giờ nhuần nhuyễn rồi” - anh Mộng tâm sự.

Vì phải túc trực chăm sóc cha mẹ bệnh tật nên mấy năm nay, anh Mộng không thể đi làm ở xa. Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, anh quần quật làm thuê nhiều việc ở địa phương như chuyển vật liệu xây dựng, chở phân bón, bơm cát, xịt thuốc... Anh Cao Văn Lành - hàng xóm của anh Mộng cho biết: “Mộng hiền và hiếu thảo lắm, làm gì thì khoảng 11 giờ là về để lo cơm trưa cho cha mẹ. Nó vừa đi làm mướn kiếm miếng ăn hàng ngày, vừa chăm sóc chu đáo cha mẹ đang bệnh nặng. Đối với tôi, thật sự hiếm gặp được một người con hiếu thảo như Mộng”. Cuộc sống kinh tế rất khó khăn, chuyện ăn uống của ông Hoàng, bà Pha cũng chẳng thể đầy đủ, lại ở trong căn nhà gỗ gần sập mà chưa có tiền sửa. Cuối năm 2018, một số người có tấm lòng nhân ái biết đến hoàn cảnh đáng thương của anh Mộng, đã đến thăm, động viên và hỗ trợ cất căn nhà mới.


Chị Võ Thị Trinh thường xuyên trò chuyện, chia sẻ để tạo tinh thần thoải mái cho mẹ

“Là chị hai, từ nhỏ nó đã chịu cực phụ cha mẹ lo cho các em. Giờ, vợ chồng tôi lớn tuổi, thường xuyên đau yếu, nó cũng là người bên cạnh chăm sóc, động viên về mặt tinh thần” - đó là những lời mà bà Nguyễn Thị Thoa (SN 1955) nói về người con gái chí hiếu của mình. Chị là Võ Thị Trinh ngụ ấp An Phú, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò. Sau khi lặp gia đình, được bên chồng đồng ý, vợ chồng chị Trinh về ở gần cha mẹ ruột để tiện việc tới lui, trông nom lúc trái gió trở trời. Chị Trinh tâm sự: “Cha mẹ từng tảo tần sớm khuya, nuôi anh em tôi khôn lớn. Công ơn bao la ấy có khi cả đời chúng tôi vẫn chưa trả hết. Với tôi, công việc làm ruộng, buôn bán nhỏ khá bận rộn nhưng cha mẹ là trên hết. Tiền bạc dễ kiếm, còn cha mẹ mất rồi đâu có tìm lại được. Vì vậy, mỗi khi cha mẹ bệnh thì phải bỏ hết mọi việc để chở đi khám bệnh, điều trị kịp thời”.

Vợ chồng chị Trinh thường xuyên qua lại, quan tâm, chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho cha mẹ. Xác định yếu tố tinh thần rất quan trọng đối với người lớn tuổi, chị hay trò chuyện, động viên và không làm những điều khiến cha mẹ buồn phiền, bận tâm. Nhờ đó, tinh thần cha mẹ được thoải mái, vui vẻ, tình trạng sức khỏe tốt hơn. Noi gương cha mẹ mình, cả 3 người con trai của chị Trinh đều lễ phép, hiếu thảo, biết quan tâm những người thân trong gia đình.

Thật may mắn cho ai đó khi mùa Vu Lan năm nay còn cài lên ngực áo hoa hồng màu đỏ. Đừng đợi đến mùa Vu Lan, những người làm con mới bày tỏ hiếu kính với cha mẹ, ông bà. Báo hiếu không phải khi mẹ cha đã khuất mới tổ chức cúng viếng linh đình. Ngay từ bây giờ, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn