Nhọc nhằn nghề thợ hồ

Cập nhật ngày: 13/06/2012 10:06:09

Từ tháng 3 âm lịch đến nay là thời điểm ăn nên làm ra của những người làm nghề thợ hồ. Nhu cầu xây dựng tăng cộng với việc chỉnh sửa nhà cửa trong thời điểm mùa mưa nên cho những người thợ hồ, thợ phụ dễ tìm được việc làm. Đằng sau, những thuận lợi là những vất vả, nhọc nhằn của nghề nghiệp.


Bữa cơm trưa của những người thợ hồ

Trong lĩnh vực xây dựng, những người làm nghề thợ hồ được chia làm 2 nhóm, thợ hồ làm việc theo thầu và thợ hồ tự do. Thường sau khi lên thợ chính, đa phần trước đó họ là những người thợ phụ, theo học, phụ việc từ những người thợ làm lâu năm, thời gian học việc từ 2 đến 3 năm. Số tiền công thợ nhận được tùy theo tay nghề do thầu thẩm định, mức giá thường được nhà thầu trả cho thợ phụ từ 85.000 đến 100.000 đồng, còn thợ chính giỏi nghề là 175.000 đồng/ngày. Do làm việc dưới sự giám sát của nhà thầu nên thông thường những người thợ này sẽ cứng tay nghề hơn những người thợ tự do.

Đối với những người làm nghề tự do không theo thầu thì đa phần chỉ thực hiện những phần việc nhỏ, thi công công trình đơn giản nên mức thu nhập thấp hơn, ít ổn định. Thời gian làm việc từ 8 đến 10 tiếng/ngày, mỗi người thợ được nghỉ trưa khoảng 1,5 giờ. Do thời gian làm việc nhiều, thu nhập được tính theo công nhật, để tiết kiệm chi tiêu nhiều người thợ làm thuê ở nhà xa thường mang cơm theo ăn.

Anh Nguyễn Văn Bảo ngụ tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Do nhà xa nên mỗi buổi sáng đem cơm trong cà mên, đến giờ cơm trưa mang ra ăn, sau đó tìm nơi ngã lưng tạm, 1 giờ trưa lại tiếp tục làm việc, làm nghề này không tiết kiệm dễ mắc nợ lắm...”. Một số công trình tuyển thợ phụ là nữ thì các chị thường đảm nhận công việc trộn hồ, khuân vác, làm vệ sinh dọn dẹp tại công trình.

Chị Lê Thị Thông - nhà tại phường 6, thành phố Cao Lãnh làm nghề thợ phụ gần 10 năm chia sẻ: “Nghề này cực lắm, có khi vác xi măng, xách hồ không nổi nhưng cũng ráng, thợ chính kêu gì làm nấy. Khổ nhất là làm thuê cho nhà thầu chậm trả tiền lương cho thợ, không có tiền phải đi hỏi vay mượn bên ngoài đắp đổi sau đó trả lại sau...”.

Đa số những người làm nghề thợ hồ đều không có đất sản xuất, thu nhập không ổn định, một phần phải nuôi sống gia đình. Một số thợ khác làm việc theo nhà thầu có lúc tiến độ công trình chậm trễ, thầu chậm ứng tiền, thợ hồ cũng không có tiền chi tiêu đành vay mượn bên ngoài xài tạm đến khi thầu trả tiền mới mang đi trả vì vậy ít khi dư dả. Để có nguồn thu nhập lo cho cuộc sống gia đình, những người làm thợ hồ có lúc phải làm thêm nghề khác.

Anh Nguyễn Văn Tuấn ngụ tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh hiện đang làm công trình tại phường Hòa Thuận cho biết: “Dù chủ thầu hối thúc, nhưng tôi cùng người anh cũng tạm “xếp lại” việc làm hồ để nhận cắt lúa thuê”.

Để có việc làm và thu nhập hàng ngày, giữa nhà thầu và thợ luôn có mối quan hệ thân thiết với nhau, công việc và tiền bạc được nhà thầu và người thợ thỏa thuận nhưng thực tế không ít người thợ lao đao khi thầu không trả tiền sau 1 tuần làm việc vất vả. Để không mất tiền nhiều thợ vẫn cố chịu đựng làm không công để chờ nhận tiền vì sợ mất hết số tiền công đã làm trước đó...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn