Người dân xã Hưng Thạnh “khát” nước sạch
Cập nhật ngày: 03/08/2015 12:28:06
Thời gian qua, mặc dù thường xuyên phải sử dụng nước máy bị nhiễm bẫn nhưng người dân ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười phải trả tiền theo giá nước sạch, khiến nhiều người bất bình.

Do thường xuyên bị nhiễm bẩn nên nhiều hộ dân ở xã Hưng Thạnh chỉ sử dụng nước máy để tắm giặt chứ không dám nấu ăn
Theo người dân xã Hưng Thạnh tình trạng nước máy bị nhiễm phèn hoặc nhiễm một số tạp chất khác đã xảy ra nhiều năm qua, nhất là trong những ngày bị cúp điện thì nước máy bị nhiễm bẩn rất trầm trọng.
Ông Võ Văn Phục ở ấp 2A, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười nói: “Ở đây cuối tuần thường bị cúp điện, mỗi lần cúp điện là dân phải sử dụng nước máy đục ngầu. Có ngày tôi phải xả bỏ hơn 1 khối nước mới sử dụng được. Do nước máy không đảm bảo vệ sinh nên tôi phải mua nước bình nấu ăn, chỉ dám sử dụng máy để tắm, giặt”.
Ngoài phải sử dụng nước máy bị đục, người dân xã Hưng Thạnh cũng thường xuyên phải sử dụng nước máy trong tình trạng có tạp chất giống như bụi hoặc rong rêu trong nước.
Ông Lê Văn Em - Trưởng Ban nhân dân ấp 4, xã Hưng Thạnh cho biết: “Trong nhiều buổi tiếp xúc cử tri trước đây, tôi có ý kiến về tình trạng nước máy cung cấp không đảm bảo vệ sinh nhưng các ngành chức năng liên quan trả lời rằng kết quả kiểm tra của ngành y tế nguồn nước máy cung cấp vẫn đảm bảo vệ sinh. Do phải thường xuyên sử dụng nước máy nhiễm bẩn nên dân ở đây rất bức xúc. Nếu sử dụng nước máy trong tình trạng này lâu dài e rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Xã Hưng Thạnh hiện có 6 cây nước để cung cấp nước máy cho người dân sử dụng. Các cây nước này được đầu tư cách nay hơn 10 năm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau đó chuyển giao cho một số chủ đầu tư khai thác, bảo dưỡng. Tuy nhiên, ở một số cây nước trên địa bàn xã đang xảy ra tình trạng chủ đầu tư bán quyền khai thác của mình cho người khác. Do chỉ chú ý đến lợi nhuận nên các chủ khai thác hiện nay ít duy tu, bảo dưỡng cây nước, từ đó người dân phải sử dụng nước chưa đảm bảo vệ sinh. Điển hình là cây nước ở ấp 4 do ông Phan Văn Nam ở cùng địa phương khai thác. Ông Nam là trung gian thứ 3 sau khi mua quyền khai thác từ người khác. Ông Phan Văn Nam cho biết: “Tôi mua lại quyền khai thác này với giá 2,5 triệu đồng. Vì nước cung cấp thường bị nhiễm phèn và tạp chất, nên mỗi khi đi thu tiền tôi phải năn nỉ bớt tiền nước cho người ta mới thu tiền được. Tùy theo mức tiêu thụ của từng hộ nhiều hay ít mà tôi bớt từ 2.000- 20.000 đồng/hộ”.
Ông Nguyễn Chơn Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh cho biết: “Các cây nước của xã hiện nay được khai thác từ mạch nước ngầm, sau đó bơm trực tiếp cho người dân sử dụng và tình trạng nước máy bị nhiễm bẩn xảy ra đã lâu. Qua phản ánh của người dân, xã có phối hợp với chủ đầu tư cắt đường ống dẫn nước để kiểm tra thì phía trong đóng một lớp phèn và cặn bả dơ khá dầy. Muốn nước máy cung cấp cho dân không bị nhiễm bẩn bắt buộc phải đầu tư hệ thống lọc, thay đường ống dẫn nước mới”.
Người dân xã Hưng Thạnh đang “khát” nước sạch thực sự để sử dụng, nhưng hầu hết các cây nước trên địa bàn chưa được đầu tư hệ thống lọc nước để có thể cung cấp nước sạch. Hiện địa phương chỉ có cây nước sạch ở khu vực chợ Hưng Thạnh được đầu tư hệ thống lọc nước sạch, tuy nhiên hệ thống lọc nước được đầu tư trị giá hàng trăm triệu đồng này chưa được chủ đầu tư đưa vào vận hành.
Theo ông Nguyễn Chơn Thiện: “Cây nước sạch ở chợ Hưng Thạnh do ông Nguyễn Quốc Thái khai thác, đã được đầu tư hệ thống lọc nhưng chưa được đưa vào sử dụng, do cơ chế vận hành mới và nguồn điện chưa đảm bảo. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện mời các chủ đầu tư, khai thác các cây nước trên địa bàn để xem xét lại năng lực của từng nhà đầu tư đang khai thác các cây nước để có hướng nâng cấp các cây nước sạch trên địa bàn, nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân”.
Thiết nghĩ, được sử dụng nước sạch là mong muốn chính đáng của người dân ở xã Hưng Thạnh. Các cấp, các ngành huyện Tháp Mười cần xem xét phương án đầu tư nâng cấp các cây nước trên địa bàn, đồng thời nhanh chóng khắc phục tình trạng bỏ phế hệ thống lọc nước ở cây nước chợ Hưng Thạnh, nhằm tránh lãng phí và giải tỏa “cơn khát” nước sạch cho người dân địa phương.
Phú Thuận