Mong được giải quyết thấu tình đạt lý

Cập nhật ngày: 27/03/2015 13:33:26

Đó là mong muốn của cô Trần Thị Hoanh - giáo viên Trường tiểu học (TH) Trưng Vương.

Bằng khen cô Hoanh nhận được vào tháng 11/2014

Theo trình bày của cô Hoanh, vào năm học 2010-2011, cô được tập thể trường xét đề nghị được tặng Bằng khen UBND tỉnh. Thế nhưng vào ngày trường phát bằng khen thì cô không có tên trong quyết định khen thưởng được công bố như những giáo viên khác. Tuy không có bằng khen cũng như tên trong quyết định được công bố, nhưng cô hiệu trưởng trường vẫn yêu cầu cô phải ký tên nhận tiền thưởng 830.000 đồng. Bất ngờ vì mình không được nhận bằng khen thì sao lại nhận tiền thưởng, cô hỏi thì được hiệu trưởng trả lời cứ nhận, sau này sẽ phục hồi bằng khen.

Sau đó, mặc dù có nhắc nhở việc phục hồi bằng khen của mình nhưng không thấy có kết quả gì. Cứ thế, cô Hoanh chờ đợi hết năm này qua năm khác, thế rồi 3 năm trôi qua cũng không được thấy bằng khen. Trước hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm học 2014-2015 của trường, cô Hoanh đã đề nghị được cho biết vì sao đã 3 năm trôi qua cô vẫn chưa được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh thì nhận được câu trả lời là không có trách nhiệm về việc đó của hiệu trưởng trường. Bức xúc về cách làm việc của hiệu trưởng trường, cô Trần Thị Hoanh đã có bản tường trình đến Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Sa Đéc phản ánh về cô Lê Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường TH Trưng Vương.

Sau đó, cô Hoanh nhận được trả lời của Phòng GD&ĐT TP.Sa Đéc ghi ngày 24/11/2014. Theo đó, vào năm học 2010-2011, Phòng có đề nghị UBND thị xã Sa Đéc (nay là TP.Sa Đéc) đề nghị UBND tỉnh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích từ năm học 2009-2010 đến năm học 2010-2011, trong đó có 5 cá nhân của Trường TH Trưng Vương (có tên bà Trần Thị Hoanh). Sau đó, UBND tỉnh có quyết định tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân được đề nghị, tuy nhiên do sơ suất của bộ phận soạn thảo quyết định khen thưởng nên đã sai sót không có tên bà Trần Thị Hoanh trong quyết định và không có bằng khen. Nhưng số tiền khen thưởng của các cá nhân tại Trường TH Trưng Vương vẫn cấp đủ cho 5 người như đề nghị. Sau đó, Phòng có phản ánh về Phòng Nội vụ để đề nghị về trên bổ sung quyết định và bằng khen cho bà Hoanh; đồng thời đã gởi tiền thưởng của 5 cá nhân (trong đó có bà Trần Thị Hoanh) về để phát, còn bằng khen khi nào có sẽ nhận sau.

Qua vụ việc trên, Phòng GD&ĐT nhận thấy việc không có tên trong quyết định và không có bằng khen mà cho ký tên nhận tiền là chưa đúng và sự việc trên có một phần trách nhiệm của Phòng. Còn việc trước Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của trường, bà Hoanh hỏi về việc phục hồi Bằng khen của UBND tỉnh là đúng vì đó là quyền lợi chính đáng hợp pháp của cá nhân bà. Qua sự việc chậm trễ phát bằng khen của bà, Phòng GD&ĐT TP.Sa Đéc nhận thấy trách nhiệm đầu tiên là trường thiếu nhắc nhở thường xuyên để các ngành chức năng sớm bổ sung cho bà; Phòng GD&ĐT TP.Sa Đéc có một phần trách nhiệm là chậm đôn đốc các đơn vị liên quan. Việc Hiệu trưởng nói không có trách nhiệm là không đúng, có mặt thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp nhắc nhở, đôn đốc để bổ sung bằng khen cho bà...

Cô Trần Thị Hoanh cho biết, trong tháng 11/2014, cô nhận được quyết định và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan ký, ghi cấp ngày 11/10/2011. Khi nhận được trả lời của Phòng GD&ĐT cho rằng Phòng chịu một phần trách nhiệm và nhà trường chịu một phần trách nhiệm thì cô có đặt câu hỏi chịu trách nhiệm như thế nào thì không được trả lời cụ thể cho cô biết. Trong khi đó, trong suốt thời gian qua, kể từ khi có đơn tường trình về việc không được nhận bằng khen, bản thân cô cảm thấy rất uất ức, đau buồn vì bị xem thường và đối xử không tốt.

Đến ngày 28/12/2014, cô Trần Thị Hoanh đã gởi đơn đến Sở GD&ĐT yêu cầu xử lý hành vi thiếu trách nhiệm và trù dập giáo viên của bà Lê Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường TH Trưng Vương. Trong thời gian chờ đợi được Sở GD&ĐT xem xét, giải quyết đơn thì vào ngày 3/3/2015 cô nhận được thư mời của Phòng GD&ĐT TP.Sa Đéc. Cô vẫn chấp hành đến theo thư mời, nhưng buổi làm việc không giải quyết được vấn đề gì. Rồi những ngày sau đó, cô liên tục được thư mời lần II, lần III, lần IV của Phòng GD&ĐT để làm rõ thêm một số nội dung đơn thư gửi cho Báo Đồng Tháp. Đơn của cô Trần Thị Hoanh gởi đến Báo Đồng Tháp, chúng tôi đã chuyển đến Sở GD&ĐT, đến nay chúng tôi chưa nhận được trả lời của Sở.

Cô Trần thị Hoanh bức xúc cho biết, sự việc kéo dài đã lâu, Phòng GD&ĐT nhiều lần mời nhưng giải quyết không đến nơi đến chốn, gây hoang mang, lại mất thời gian ảnh hưởng đến quá trình công tác, giảng dạy của cô. Qua vụ việc trên, thiết nghĩ Sở GD&ĐT cần nhanh chóng giải quyết đơn của bà Trần Thị Hoanh để giải tỏa những bức xúc, tạo niềm tin cho giáo viên an tâm công tác.

Phòng BĐTL

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn