Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi

Cập nhật ngày: 26/09/2019 05:57:23

ĐTO - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ nghèo và các gia đình chính sách tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.


Gia đình anh Lê Văn Đam thoát nghèo nhờ được vay vốn nuôi cá và thuê đất trồng rẫy ớt

Ông Lại Văn Bé Chín - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngân hàng luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với chính sách tín dụng. Đối với những hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, NHCSXH sẽ giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm được NHCSXH thực hiện ngay tại UBND các xã, thị trấn đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong giao dịch, không phải đi lại vất vả.

Vì vậy, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế là không khó đối với những bà con có nhu cầu và đủ điều kiện, dù bà con ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Những con số về dư nợ của NHCSXH là một trong những minh chứng cụ thể cho nhận định ấy. Hiện toàn tỉnh có 3.317 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân 970 triệu đồng/tổ. Từ cuối năm 2014 đến tháng 6/2019, NHCSXH đã cho trên 176 ngàn hộ vay (cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, đi lao động ở nước ngoài, nhà ở, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,...) với tổng số tiền 3.542 tỷ đồng. NHCSXH là một trong những tổ chức tín dụng hoạt động tích cực, sâu rộng tới từng xóm, ấp giúp người dân có vốn kịp thời đầu tư sản xuất kinh doanh.

Vừa chăm sóc rẫy ớt, vợ chồng anh Lê Văn Đam (ngụ ấp 1, xã Tân nghĩa, huyện Cao Lãnh) hồ hởi chia sẻ: Trước đây, gia đình anh là một trong những hộ nghèo nhất, nhì trong xã, không có ruộng đất, sống bằng nghề làm thuê. Tài sản quý nhất của gia đình là căn nhà trống trước, trống sau ở đậu trên đất người bà con. Năm 2015, vợ chồng anh được Hội Nông dân xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH, vay được 7 triệu đồng, vợ chồng anh làm hầm nuôi cá lóc. Nhờ chịu khó kiếm nguồn thức ăn tự nhiên để giảm chi phí, vụ cá nào vợ chồng anh cũng lời từ 10 - 15 triệu đồng.

Số tiền tích lũy từ nuôi cá lóc, anh Đam thuê ruộng để canh tác. Anh Đam bắt đầu tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do xã, huyện tổ chức và nghiên cứu thêm trên sách, báo để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày càng khá hơn, đến nay, gia đình đã trả hết nợ, mua được 3 công ruộng và thuê thêm 14 công để canh tác, mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình trên 50 triệu đồng. Dẫn chúng tôi về căn nhà mới khang trang, anh Đam phấn khởi nói: “Có được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, giúp gia đình có vốn, kịp thời đầu tư sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế”.

Tương tự gia đình anh Đam là gia đình anh Nguyễn Văn Hải ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Anh Hải cho biết, trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo không đất sản xuất, vợ chồng anh phải làm thuê nuôi 2 con ăn học và mẹ già bị tai biến. Nhờ chí thú làm ăn, được NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng từ chương trình giảm nghèo bền vững để nuôi bò vỗ béo và thuê đất làm ruộng, trồng rẫy, kinh tế gia đình dần được cải thiện và hiện tại gia đình anh Hải đã thoát nghèo. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới, vợ chồng anh Hải vui vẻ chia sẻ: “Nếu không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình giảm nghèo thì tôi không biết giờ này gia đình tôi như thế nào. Nguồn vốn đó thực sự là “bà đỡ” của gia đình tôi”.

Nhận định về hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 40 tại Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Có thể khẳng định rằng, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh, nhiều hộ nghèo, khó khăn đã đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình rất hiệu quả. Đây thực sự là chiếc cần câu, là đòn bẩy giúp người dân giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát huy tối đa hiệu quả, thời gian tới, Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho hộ nghèo, người nghèo xóa đi cảm xúc tiêu cực, bị bỏ rơi, củng cố niềm tin... để hòa nhập, vươn lên khi tiếp cận tín dụng chính sách xã hội.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn