Dạy nghề, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 25/05/2017 06:42:21

ĐTO - Mỗi xã, thị trấn trong huyện Tháp Thời gian qua, huyện Tháp Mười là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với sự ra đời của các mô hình dạy nghề, tạo thu nhập ổn định cho người dân.


Lao động sau đào tạo nghề có thu nhập trên 150.000 đồng/ngày

Mười đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình việc làm và giảm nghèo, đồng thời mỗi năm đều được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tổ chức. Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn còn phối hợp với Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các cơ sở dạy nghề trong, ngoài tỉnh nhằm tạo mối liên hệ, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để tránh tình thất nghiệp sau thời gian đào tạo nghề, công tác đăng ký các lớp nghề được giao cho địa phương chủ động đăng ký theo nhu cầu của người dân. Toàn huyện Tháp Mười hiện có gần 7.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Mỗi năm, Phòng LĐ, TB&XH huyện đều khảo sát điều tra bước đầu, dự báo nhu cầu học nghề cho người dân.

Tại xã Tân Kiều, trước đây có mô hình tổ liên kết công nhân xây dựng với thu nhập 100.000 đồng/người/ngày. Sau khi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, địa phương đề xuất mở lớp sơ cấp nghề công nhân xây dựng. Sau khóa học có 40 lao động thành lập 3 tổ liên kết, được hỗ trợ vay từ nguồn giảm nghèo, giải quyết việc làm để mua máy trộn hồ, máy cắt gạch, giàn giáo... Từ kỹ năng được đào tạo, nguồn vốn được hỗ trợ, nhiều người nhận thầu các công trình dân dụng có mức thu nhập từ 150.000 - 220.000 đồng/người/ngày.

Từ những hộ làm nghề manh mún bước đầu, đến nay xã Thanh Mỹ có 15 tổ liên kết tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối với khoảng 1.000 thành viên, được hỗ trợ vay vốn từ 20 - 50 triệu đồng/tổ để thu mua nguyên liệu và trả tiền công cho tổ viên với thu nhập khoảng 80.000 đồng/ngày. Một số cá nhân sau thời gian tham gia cũng mạnh dạn nhận sản phẩm về giao lại cho các tổ viên. Nghề tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối cũng phát triển sang các xã Láng Biển, Mỹ Quý.

Ngoài nghề thủ công mỹ nghệ, các xã: Thanh Mỹ, Láng Biển, Mỹ Đông, Mỹ Quý, Tân Kiều còn được địa phương phát triển nghề vận hành, sửa chữa máy phun xịt thuốc, máy sạ hàng. Đây là một trong những nghề được Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên phối hợp cùng địa phương mở theo nhu cầu của người dân. Sau khóa học, các học viên thành lập tổ liên kết từ 5 - 10 thành viên, mỗi ngày có thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng.

Theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngoài đào tạo các nghề phi nông nghiệp, các nghề nông nghiệp cũng được đào tạo luân phiên như nghề nuôi ếch, kết hợp nuôi cá tại xã Thanh Mỹ, Mỹ An, Đốc Binh Kiều; nghề cải tạo vườn tạp trồng thanh long và các loại rau xanh cho thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày.

Để phát huy hiệu quả của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Tháp Mười đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng LĐ, TB&XH chủ động công tác hướng nghiệp, liên kết doanh nghiệp trong, ngoài huyện đào tạo nghề theo địa chỉ, giới thiệu việc làm. Đồng thời các hội, đoàn thể cũng chủ động hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo làm ăn, phát triển nghề, việc làm. Sử dụng nguồn ngân sách địa phương, nguồn khác để đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho khoảng 1.600 lao động trong năm 2017; nâng số lao động được đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, cán bộ công, viên chức cấp xã khoảng 6.400 lao động giai đoạn 2017 - 2020.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn