Đa đạng hóa các hoạt động truyền thông dân số

Cập nhật ngày: 26/01/2015 05:49:13

Truyền thông dân số là công tác quan trọng, quyết định cho việc thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), góp phần nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện chính sách dân số.

Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội tổ chức lồng ghép đưa các nội dung về công tác DS-KHHGĐ vào sinh hoạt, tuyên truyền. Đồng thời, để tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, ngoài việc đưa thông tin DS-KHHGĐ lên các phương tiện thông tin báo, đài, hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi tờ bướm, lắp đặt pa-nô, áp phích tuyên truyền về dân số, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức duy trì, nhân rộng nhiều mô hình truyền thông dân số đạt hiệu quả như: mô hình tư vấn về sức khỏe sinh sản (SKSS)-KHHGĐ, mô hình góc truyền thông tại Trạm y tế, mô hình tổ Phụ nữ 5 không - 3 sạch, Câu lạc bộ (CLB) Gia đình hạnh phúc, CLB Người lớn gương mẫu trẻ em chăm ngoan, CLB Bình đẳng giới, CLB tiền hôn nhân,... nhằm truyền đạt, cung cấp các kiến thức về chăm sóc SKSS - KHHGĐ, kiến thức nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc,... cho người dân.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện trong tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế và Trạm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức 143 buổi nói sinh hoạt nhóm tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS/KHHGĐ; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hệ lụy lựa chọn giới tính thai nhi, bình đẳng giới,... thu hút hơn 28.400 đối tượng tham dự. Ngoài ra còn phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức 85 buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, những biến đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì... cho hơn 2.150 vị thành niên - thanh niên tham dự.

Đối với tuyến xã, từng địa phương đã đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông trực tiếp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, thiết tha từng đối tượng”, mỗi địa phương có cách truyền thông thích hợp nhằm thúc đẩy các nhóm đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận sử dụng các dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại,... được hàng trăm cuộc cho hàng ngàn đối tượng nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi, góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu chương trình DS-KHHGĐ của tỉnh đã đề ra.

Năm 2015, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý và giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, trong đó đề ra chỉ tiêu mức giảm tỷ suất sinh 0,01%o, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh 0,60 điểm %, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 20%, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh 35% và có hơn 89.000 người mới sử dụng biện pháp tránh thai. Để đạt mục tiêu như trên đòi hỏi các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn