Chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng

Cập nhật ngày: 09/04/2021 10:34:00

ĐTO - Ngày 9/4, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày 8/4/2021, Báo Tuổi trẻ Online có đăng bài “Học sinh lớp 6 không đọc được chữ…”. Nội dung bài báo phản ánh một số học sinh lớp 6 của Trường THCS - THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình) còn yếu về kiến thức, kỹ năng.

Cũng theo Sở GD&ĐT tỉnh, việc học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng xảy ra tại các cơ sở giáo dục do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học; thậm chí, có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Thực trạng này tuy chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn ngành và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Để chấn chỉnh thực trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh yêu cầu Trưởng phòng các Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT và Thủ trưởng các cơ sở Giáo dục thường xuyên (GDTX) triển khai thực hiện ngay các công việc sau:

Kiểm tra, rà soát, thống kê số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu, báo cáo về Phòng GD&ĐT (đối với các trường Tiểu học, Trung học cơ sở) và Sở GD&ĐT (đối với các trường THPT, cơ sở GD&ĐT) trước ngày 15 tháng 4 năm 2021. Chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn: ghiêm túc phân tích nguyên nhân của việc học sinh còn yếu về kiến thức kỹ năng, trong đó phân tích kỹ nguyên nhân về phía nhà trường (như: tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh yếu kém,…). Từ đó, có biện pháp khắc phục cụ thể, khả thi, phù hợp.

Tổ chức kèm cặp, bồi dưỡng học sinh, học viên yếu bằng các biện pháp, hình thức phù hợp để các em từng bước củng cố lại kiến thức, kỹ năng chưa đạt. Phối hợp chặc chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý giờ giấc học tập, việc tự học ở nhà, động viên, khích lệ tinh thần, động cơ, thái độ học tập tích cực của con em. Các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện “cứng” hay “khống chế” trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ của học sinh, học viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kiên quyết không để học sinh, học viên chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT được lên lớp. Phân tích, đánh giá kết quả kiểm tra định kỳ, giữa kỳ, cuối từng học kỳ, đối chiếu với kết quả đánh giá thường xuyên của giáo viên, tìm nguyên nhân (nếu có chênh lệch) và đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Tổ chức nghiêm túc việc khảo sát chất lượng học sinh, học viên đầu năm học để phân loại học sinh, học viên yếu kém và có biện pháp kèm cặp, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn