Những câu thơ viết trong mùa lụt

Cập nhật ngày: 08/09/2016 06:04:24

Như đã thành lệ, cứ trung tuần tháng bảy âm lịch, dòng sông Cửu Long nghiêng mình rót mùa nước nổi cho đồng bằng. Cái màu nước đỏ ăm ắp phù sa cứ ngày một dâng cao, rồi nhiều khi ở lại với ruộng đồng đến tận tháng mười mới chịu rút đi. Người dân vùng lũ cũng quen dần với những trận đánh lớn nhỏ của “Thủy Tinh”, rồi biến nó từ thiên tai trở thành lợi thế cho mình như khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, thay đổi cây trồng thích hợp điều kiện nước dâng để cải tạo đất. Đặc biệt hơn, đồng ruộng sau mấy tháng ngập lại trở nên tươi tốt, dễ dàng trúng lớn ở vụ mùa sau.

Mùa nước nổi cũng đã trở thành nguồn cảm hứng và đề tài quen thuộc cho biết bao áng thơ văn Đồng Tháp. Tôi nhớ những câu thơ của Đặng Ca Việt lúc sinh thời đã ghi lại gần như “trúng phóc” cái không khí của mùa lụt ngày xưa: “Nhọc nhằn suốt mấy tháng khô/Lúa thơm chưa kịp vào bồ đã mưa/Rào rào từ sáng tinh mơ/Già ngồi bó gối, trẻ đùa trước sân/Đồng bằng tháng chín nước dâng/Xuồng ba lá biến thành chân con người/Ngã mình chim bói đớp mồi/Gà leo giàn bếp, mèo vùi trên trang” (Mùa nước nổi). Thơ anh gợi nhắc cái riêng đặc biệt của mùa lũ là những cơn mưa nặng hạt kéo dài, mưa như trắng trời trắng đất, mưa như đổ thêm nước vào sông, vào đồng ruộng đã leo mép chân đê. Không chỉ vậy nó còn mang lại cảm xúc hoài thương về một thời gian khó khi nông nghiệp còn chưa cơ giới hóa, hạt lúa làm ra chưa có thương lái đến cân ngay như bây giờ, mà phải chắt chiu gặt, đập, phơi, vào bồ dự trữ.

Mùa nước dâng cao, cánh đồng như cũng được điểm tô thêm bởi màu vàng của hoa điên điển; màu trắng, đỏ, hồng của sen, súng và biết bao loài hoa rong khác. Giữa linh đinh của bốn bề sóng nước, nụ cười duyên của con gái đồng bằng bẽn lẽn; rồi câu hò, câu vọng cổ ngọt lịm cất lên. Cái thi vị bắt nguồn từ đời sống hiện thực qua góc nhìn của nhà thơ càng trở nên độc đáo: “Mùa nước lên chống xuồng bẻ súng/Ngắt điên điển vàng, câu cá rô non/Em lội ruộng lộ tròn bắp trắng/Phù sa sông Tiền thoa mấy ngấn son/Mùa nước lên bơi xuồng tuốt ngọn/Ngồi nửa nằm chân khỏa tay thăm/Em cười rớt lúm đồng tiền cá lặn/Mưa nắng mặt trời anh thả câu giăng” (Mùa nước mùa em - Lê Minh Hùng).

Nhưng thật ra khi lũ về, không chỉ toàn những điều thi vị. Cũng có khi từng người, từng nhà, từng cây lúa phải căng mình ra trước lũ. Đó cũng chính là lúc hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ giản dị, gần dân ngời rõ nhất: “Một nền lụt phẳng mà nghiêng/Muôn nghìn lưỡi sóng triền miên vỗ hoài/Dầm mình trong lưới thiên tai/Con đê ngoi ngóp dấu giày soi tim/Mỗi bao đất một cánh chim/Mồ hôi người lính nổi chìm với dân/Lúa thoi thóp trước thủy thần/Đói no đặt cược tùng phân nước tràn”(Thủy chung trước lụt - Khắc Chu).

Trước quy luật có phần hung hãn của dòng Cửu Long Giang, người nông dân học cách hòa mình vào lũ, thuần phục và chế ngự nó: “Ta có thể sống chung với lũ/Bằng cách đắp đê lên cao/Tôn tạo lại nền nhà/Xuồng ba lá ung dung trên đồng giăng câu thả lưới/Ngạo nghễ cất lên câu vọng cổ/Giữa mênh mông nước” (Thơ viết sau bản tin thời sự - Hữu Nhân).

Có những năm lũ tưởng chừng quên về, cả người và đất đều nôn nao đợi mùa. Từ nỗi ngóng trông cất thành tiếng gọi: “Này em gọi lũ về thôi/Rạ rơm chờ cá quẫy đuôi lên đồng/Cây sào cha cắm ngoài sông/Đo màu nước đỏ cuộn lòng phù sa” (Gọi lũ - Nguyễn Giang San). Rồi như không để người thất vọng, sông Tiền cũng mở tiệc phù sa “Nước quay ở đầu nguồn/Bến bãi cuối dòng nôn nao đợi/Dập dình tình tang mé dàm nước nhảy/Cởi áo thiên thanh lộ yếm vàng một dải/Sông Tiền khai tiệc/Rượu phù sa đất ngả nghiêng say/Ào ào gió hụ/Óc ách thở/Xàng xê mưa” (Vũ điệu sông Tiền – Lê Minh Hùng).

Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là cứ mỗi mùa lũ mới, lượng cá tôm tự nhiên cũng vơi dần, nó trở thành nỗi trăn trở không chỉ với riêng những người làm nghề câu lưới mà còn là nỗi lo chung cho những ai yêu mến vẻ đẹp hoang sơ trữ tình của vùng đất chín rồng. Nói như Nguyễn Giang San trong bài Dưới đám mây sẫm màu: “Thật lâu rồi lũ mới về qua/Để ta biết chắt chiu từng hạt phù sa ngà ngọc/Em chống xuồng hái chùm bông súng mọc/Mắm kho thơm dậy ngát bữa cơm chiều/Nửa vui mừng, nửa trăn trở thương yêu/Tay lưới bủa mùa này thưa thớt cá/Tiếng tù và đục trầm câu chuyện lạ/Huyền hoặc đến ngày sau.../Anh cắm sào dưới đám mây sẫm màu /Ngắm đàn ròng ròng vẫy đuôi về quá khứ”.

Trước thềm lũ mới, đọc những câu thơ viết trong mùa lụt của các nhà thơ Đồng Tháp, để lại yêu hơn mảnh đất quê mình.

Ngọc Phương Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn