Về chốn bình yên cùng Lê Thanh Vĩnh

Cập nhật ngày: 19/05/2020 05:20:27

Rất may mắn, tôi cùng người bạn văn - Võ Nguyên ở Bình Thuận, được tác giả tin cậy giao cho đảm nhận công việc tổ chức bản thảo (thực chất là biên tập lần thứ nhất trước khi gửi đến nhà xuất bản). Vì thế, có thể nói, chúng tôi (kể cả nhà văn Nguyễn Đông Thức - tác giả những dòng giới thiệu ở đầu sách) là những người đầu tiên cùng anh Lê Thanh Vĩnh Về chốn bình yên (*).

Có rất nhiều điều để nói, để cảm, để chia sẻ và để tôn vinh về cuốn hồi ký khá độc đáo này từ nội dung đến hình thức, từ chi tiết đến văn phong... Ở đây, không phải với tư cách một người làm văn chương mà là của một người đang sống, tôi xin đề cập đến ba bài học nhân sinh vô cùng sâu sắc, rút ra từ cuốn hồi ký này.

Bài học thứ nhất, đó là hãy sống và dám sống như một con người đích thực, hơn thế, là một người đàn ông thứ thiệt.

Lê Thanh Vĩnh là một người đàn ông có thể làm bất cứ nghề gì ở trên đời này, nếu đó là một nghề nghiệp chân chính và có thể giúp nuôi sống bản thân và gia đình, nhất là trong những lúc khó khăn tưởng không thể vượt qua. Đọc Về chốn bình yên, chúng ta vừa ngạc nhiên thích thú vừa khâm phục và xúc động đến nghẹn lời về một võ sư - huấn luyện viên đứng chót vót trên đỉnh vinh quang của môn judo Việt Nam lại là người từng trầm mình hằng đêm trên phá Tam Giang lo chuyện cơm áo cho cả gia đình từ những rủi may của giông gió, sấm sét; từng cháy đen tay chân trên khoảnh ruộng thuốc lá ở Hòa An để kiếm từng đồng bạc cắc bởi một nghề hoàn toàn xa lạ; từng bươn chải mưu sinh bằng công việc kiếm con cá, con tôm trên chiếc xuồng nhỏ giữa mênh mông Tháp Mười, Hồng Ngự...

Với Lê Thanh Vĩnh, không có nghề gì, công việc gì mà con người không thể làm được, từ những việc cơ cực, nhọc nhằn nhất cho đến những việc sang trọng, oai phong nhất, miễn là họ biết kiên trì, chịu khó, cầu thị, vượt qua tất cả mọi thử thách, gian nan để đạt kết quả tốt đẹp nhất có thể. Trong Về chốn bình yên, ta gặp một Lê Thanh Vĩnh ngư dân, nông dân thứ thiệt bên cạnh một Lê Thanh Vĩnh võ sư - huấn luyện viên, nhà báo - bình luận viên thể thao, nhà thư họa tài năng... Vì dám sống đến kiệt cùng nên cuộc đời Lê Thanh Vĩnh vô cùng phong phú và trở thành một bài học thế sự thiết thực, sâu sắc, sinh động đối với lớp trẻ bây giờ.

Bài học thứ hai từ Về chốn bình yên hay đúng hơn là từ tác giả Lê Thanh Vĩnh: lòng nhân là một phẩm chất nổi trội làm nên nhân cách cao cả của anh. Ta gặp ở Lê Thanh Vĩnh không chỉ một tình cảm yêu thương mãnh liệt với gia đình, một tấm lòng nhân ái sáng trong với bè bạn, đồng nghiệp mà còn là một tình yêu sâu sắc với Tổ quốc, quê hương. Anh không chỉ oằn mình trong những cực nhọc không thể cực nhọc hơn để lo từng miếng cơm manh áo cho vợ con thuở hàn vi; anh không chỉ bóp chặt tay nhận về mình phần thiệt trên võ đài, nhường vinh quang cho bạn... mà còn nén tim, chấp nhận bỏ qua tất cả những thị phi, dây mơ rễ má nhùng nhằng trong hệ thống điều hành môn judo, miễn mang về vinh quang tuyệt đích cho Tổ quốc. Lòng nhân của Lê Thanh Vĩnh tỏa chiết trên nhiều phương diện mà rõ nhất là trên từng thế quật, đè, siết, khóa của môn judo: làm sao thắng được đối phương mà cả hai bên đều an toàn, lành lặn nhất. Có thể nói, Lê Thanh Vĩnh quyết liệt xông vào đời, nhiều lúc rất dữ dội nhưng tấm lòng vị tha nơi anh khiến anh bao giờ cũng có những ứng xử đẹp, cao thượng, nhân văn.

Bài học thứ ba là dù phiêu bạt những đâu, làm bất cứ điều gì, vinh quang hay thất bại cỡ nào thì bao giờ con người cũng cần tìm cho mình một chốn bình yên để trở về. Chốn bình yên ấy có thể là hạnh phúc gia đình, là sự thủy chung của bè bạn, là một công việc thư giãn nhẹ nhàng của tuổi già... hay sâu xa hơn là sự thanh thản, cởi mở trong sâu thẳm cõi lòng mình, hoàn toàn không vướng bận bất cứ một chấn động nào nữa của thế sự. Ở Lê Thanh Vĩnh là thế. Giờ đây, sau mấy chục năm bôn ba, rong ruỗi, hàng ngày, anh luôn gần gũi, hàn huyên bên vợ con, gia đình, luôn gặp gỡ, giao lưu cùng bè bạn một thời hay hàng ngày mê say chăm chút luống hoa, cây cảnh... Nhưng theo tôi, điều sâu xa hơn mà tác giả gửi gắm trong Về chốn bình yên chính là, cả cuộc đời, lúc nào chúng ta cũng cần tìm cho mình một chốn bình yên nào đó, coi đó như là một đích đến để phấn đấu, đồng thời cũng là một động lực giúp con người hoạt động mỗi ngày. Cái chốn bình yên ấy chính là niềm tin, hy vọng, ước mơ thấm đẫm chân thiện mỹ.

Nhiều bạn văn của tôi đánh giá, là tay ngang nhưng văn phong của Lê Thanh Vĩnh cuốn hút không thua gì một cây bút chuyên nghiệp. Điều đó rất đúng. Tuy nhiên, với một cuốn hồi ký, điều quan trọng hơn nằm ở phương diện khác mà trên đây là ba điều tôi lẫy ra, mang tính khơi gợi hơn là đi sâu phân tích. Với Về chốn bình yên, tôi tin sẽ còn nhiều điều để chúng ta tiếp cận, khám phá, chia sẻ.

Xin trân trọng giới thiệu Về chốn bình yên với độc giả.

Một vĩ thanh nhỏ: Giá cuốn sách không vì một vài lý do ngoài ý muốn để tổ chức in ấn rõ, đẹp hơn (nhất là phần ruột) thì trên tay chúng ta sẽ là một ấn phẩm nghệ thuật - văn chương hoàn hảo. Nhưng thôi, chỉ với chừng này, Về chốn bình yên cũng đã làm cho người thân, bạn bè, học trò và độc giả của Lê Thanh Vĩnh vô cùng phấn khích và tự hào rồi! Những lần tái bản sẽ hoàn bích hơn chăng? Hy vọng...

T.S

(*) Về chốn bình yên - tập hồi ký (2019), Lê Thanh Vĩnh, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn