Sẵn sàng cho Lễ hội Hòa Bình TP Sa Đéc lần thứ III

Cập nhật ngày: 25/04/2024 15:14:38

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240425031617DT3-2.mp3

 

ĐTO - Chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Thành ủy, UBND TP Sa Đéc tổ chức Lễ hội Hòa Bình lần thứ III năm 2024. Đối với người dân Sa Đéc, lễ hội Hòa Bình không chỉ là hoạt động ý nghĩa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn góp phần tạo điểm nhấn đặc sắc cho du lịch của thành phố, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.


Quảng trường TP Sa Đéc - nơi diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội Hòa Bình lần thứ III năm 2024 (Ảnh: Văn Trí)

NHIỀU HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA

Lễ hội Hòa Bình TP Sa Đéc lần thứ III năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/4 - 1/5/2024, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch vui tươi, ý nghĩa. Lễ hội Hòa Bình năm nay kỳ vọng sẽ là “cú hích” cho du lịch Sa Đéc.

Ban Tổ chức triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông và Phường 2, TP Sa Đéc và khai mạc Lễ hội Hòa Bình với Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Tự hào Sa Đéc quê tôi”, diễn ra lúc 19 giờ ngày 26/4/2024 tại Quảng trường TP Sa Đéc; Họp mặt kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), diễn ra sáng ngày 25/4, với sự tham gia của gần 200 đại biểu: Mẹ Việt Nam anh hùng; các đồng chí nguyên lãnh đạo và lãnh đạo thành phố; thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố cùng đông đảo Nhân dân trên địa bàn.

Điểm nhấn của Lễ hội Hòa Bình năm 2024 là các hoạt động: Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông và Phường 2, TP Sa Đéc; Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm sau bột”; Không gian trưng bày, triển lãm các công cụ, dụng cụ làng nghề sản xuất bột Sa Đéc kết hợp với trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làm từ bột gạo, sản phẩm OCOP các huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong khuôn khổ Lễ hội Hòa Bình TP Sa Đéc lần thứ III còn có “Hội thi chế biến 49 món ăn và bánh dân gian” từ các loại bột Sa Đéc; “Hội thi văn nghệ quần chúng”, diễn ra tối 27/4; Liên hoan các nhóm nhảy thanh niên; Gameshow Rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử hình thành “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”, diễn ra tối 29/4; Triển lãm ảnh “Nghề làm bột gạo Sa Đéc xưa và nay”; Giải bóng chuyền hơi nữ công nhân viên chức – người lao động thành phố, tranh Cúp Hòa Bình lần thứ III; Giải bóng đá mini nam công nhân, viên chức - người lao động thành phố...


Di tích cấp Quốc gia Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được Công ty TNHH MTV Khu du lịch Văn hóa Phương Nam chỉnh trang cảnh quan, phục vụ du khách đến tham quan

TẠO ĐIỂM NHẤN ẤN TƯỢNG, THU HÚT DU KHÁCH

Để tổ chức Lễ hội thành công tốt đẹp và mang ý nghĩa lan tỏa thiết thực, UBND TP Sa Đéc chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương chuẩn bị chu đáo cho công tác tổ chức. Cụ thể, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát, tu bổ, chỉnh trang các Di tích lịch sử, các địa điểm dự kiến tổ chức các hoạt động của Lễ hội. Ban Quản lý Công trình đô thị TP Sa Đéc trang trí các cụm tiểu cảnh hoa - kiểng kết hợp mô hình đặc trưng làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc.

Trong khuôn khổ Lễ hội Hòa Bình lần thứ III, từ ngày 25/4/2024 đến hết ngày 1/5/2024, UBND TP Sa Đéc sẽ tổ chức Không gian trưng bày, triển lãm các công cụ, dụng cụ Làng nghề sản xuất bột Sa Đéc kết hợp với trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làm từ bột gạo, sản phẩm OCOP tại Quảng trường TP Sa Đéc.

Theo đó, trong không gian quy mô 180m2 sẽ có 10 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làm từ bột gạo, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp; đồng thời trưng bày, triển lãm các công cụ, dụng cụ và máy móc thiết bị sản xuất bột từ xưa đến nay. Để chuẩn bị cho không gian được chu đáo, Phòng Kinh tế thành phố tích cực vận động các thành viên là hộ kinh doanh sản xuất bột tham gia trưng bày các công cụ, dụng cụ xưa như: cối đá, cối quết bột, vỉ tre và các máy móc thiết bị sản xuất bột hiện đại bằng inox, hoạt động bằng động cơ như máy vo, máy xay và các sản phẩm làm từ bột gạo, sản phẩm OCOP. Hoạt động nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với TP Sa Đéc.


Du khách tham quan Khu vườn Chà là tại Làng hoa Sa Đéc

Những ngày này, Hội quán Làng bột Sa Đéc cũng khẩn trương vận động trên 50 thành viên và bà con sản xuất bột gạo trên địa bàn Phường 2 và xã Tân Phú Đông dọn dẹp vệ sinh thông thoáng khu vực sản xuất và tuyến đường 2 bên bờ cặp rạch Ngã Bát để phục vụ du khách tham quan quy trình sản xuất bột gạo.

Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn trên địa bàn TP Sa Đéc quan tâm xây dựng đề cương tuyên truyền sâu rộng về Lễ hội; có giải pháp lưu trú cho khách du lịch; công tác đối ngoại; chỉnh trang các di tích lịch sử đảm bảo các điều kiện tổ chức tốt các hoạt động Lễ hội.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc Nguyễn Văn Hon: Lễ hội Hòa Bình là dịp tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa phi vật thể, tài nguyên, sản phẩm du lịch về mảnh đất, con người Sa Đéc; thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng chương trình du lịch, khai thác các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...


Khu du lịch Cánh đồng hoa hồng chuẩn bị đón khách

Hưởng ứng Lễ hội Hòa Bình, các khu điểm du lịch trên địa bàn TP Sa Đéc trưng bày, trang trí nhiều hoa, cây kiểng để thu hút du khách. Chia sẻ về những tín hiệu khả quan của du lịch TP Sa Đéc, anh Trần Thanh Hùng - Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch TP Sa Đéc cho biết, hiện Hội quán đã nhận lịch đặt chỗ phục vụ khách tham quan đến ngày 30/4, với khoảng 7 đoàn khách từ các đoàn lữ hành Saigon Tourist, trung bình mỗi ngày sẽ phục vụ khoảng 100 khách. Không ngừng làm mới, chỉnh trang mỗi điểm du lịch để tạo điểm nhấn hấp dẫn phục vụ du khách, 40 thành viên Hội quán cùng nhau làm du lịch cố gắng nỗ lực chỉnh trang tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách, hướng đến sự văn minh, văn hóa và an toàn trong từng sản phẩm du lịch.

Không chỉ riêng những khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, homestay cũng trang trí, vườn hoa bắt mắt để chào đón và phục vụ du khách.

Quý I/2024, Sa Đéc thu hút trên 400 ngàn lượt khách đến tham quan trải nghiệm, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng doanh thu từ du lịch trên 193 tỷ đồng, trong đó có gần 9.000 lượt khách quốc tế. Uy tín của du lịch thành phố ngày càng được khẳng định, việc xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc là 1 trong 10 Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trong cả nước, kỳ vọng sẽ là tín hiệu vui, ghi dấu sự sẵn sàng của ngành du lịch thành phố để chào đón du khách và nhà đầu tư đến trong thời gian tới.

Hướng tới, ngành du lịch TP Sa Đéc sẽ tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch với nhiều giải pháp thiết thực, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư xây dựng “Thành phố hoa” và là Trung tâm thương mại du lịch thông minh, thân thiện, an toàn của tỉnh Đồng Tháp.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn