Phát huy hiệu quả các công trình đầu tư tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp

Cập nhật ngày: 28/04/2018 06:36:52

Khu di tích (KDT) Gò Tháp có tổng diện tích 290ha, tọa lạc tại ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.


Cổng vào khu vực 1 (xây dựng năm 2017)

KDT Gò Tháp được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, du lịch, lịch sử, khảo cổ, tâm linh, tín ngưỡng,... Chính vì thế, KDT Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1989 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012, đồng thời nơi đây đã được tỉnh quy hoạch để đầu tư phát triển thành trung tâm văn hóa và du lịch của tỉnh.

Từ khi được thành lập đến nay, tỉnh đã quan tâm cho đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình, cơ sở hạ tầng tại KDT, đặc biệt kể từ năm 2009, khi Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, đồng thời được ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ với tổng số vốn trên 100 tỷ đồng để thực hiện dự án. KDT Gò Tháp đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình như:

Về cơ sở hạ tầng, đã đầu tư xây dựng các tuyến đường nội bộ như: đường D1, đường D2, đường D3, đường D4, đường D5; tuyến đường đan đê bao; các tuyến đường hạ tầng ở khu dịch vụ; tuyến đường tránh Tháp Sen; sân lễ hội đa năng; bãi giữ xe; hệ thống cây xanh; hệ thống cấp nước sạch; hệ thống điện chiếu sáng; các nhà vệ sinh công cộng; cổng vào khu vực 1,...

Đối với các hạng mục công trình trùng tu, tôn tạo di tích khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng: Trong những năm qua, Ban Quản lý đã phối hợp với các nhà khảo cổ tiến hành nhiều đợt khai quật khảo cổ trong KDT như: khai quật Gò Minh Sư, Đìa Vàng - Đìa Phật, tường thành phía Tây, khai quật phía Tây Chùa Tháp Linh, khai quật khảo cổ xung quanh chân di tích Gò Tháp Mười,...

Những đợt khai quật đã đem lại nhiều kết quả rất quan trọng, đã phát hiện mới di tích về kiến trúc khảo cổ, đồng thời cũng đã phát hiện rất nhiều hiện vật có giá trị quý báu, là luận cứ khoa học quan trọng chứng minh lịch sử hình thành và phát triển Gò Tháp. Nhằm phát huy giá trị các di tích, Ban Quản lý đã xây dựng các nhà bao che bảo quản di tích như mái che đền Thần Shiva - Gò Minh Sư, mái che đền thần Mặt trời - Gò Bà Chúa Xứ, mái che đền thầnVisnu - Gò Tháp Mười, mái che hố khai quật số 11 (đền thần Mặt trời) và mái che hố số 8 (một góc giếng thần);  xây mới Đền thờ Thiên Hộ Dương và tu bổ Miếu thờ Bà Chúa xứ,...


​Mái che đền thần Mặt trời - Gò Bà Chúa xứ (xây dựng năm 1995)

Khi các công trình và cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đã làm cho KDT ngày càng thông thoáng hơn, cảnh quan xanh - sạch - đẹp hơn, các cơ sở thờ tự cũng được trang hoàng hơn. Thời gian qua, các công trình và hạ tầng đã phát huy được giá trị, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giao thông đi lại của du khách khi đến tham quan KDT Gò Tháp, nhất là trong các kỳ lễ hội, các tuyến đường nội bộ khu 1 phục vụ người dân đi tham quan được thuận lợi, dọc hai bên lề đường phục vụ cho các hộ dân buôn bán trong các kỳ lễ hội được thuận tiện; các nhà vệ sinh công cộng đảm bảo phục vụ cho khách tham quan; hệ thống điện, nước sạch ngoài cung cấp cho KDT còn phục vụ cho người dân sống quanh KDT và các đơn vị kinh doanh khu vực đồng sen; các di tích được làm mái che bảo quản cũng đã phục vụ tốt cho khách tham quan, học tập, nghiên cứu...

Hiện nay, lượng du khách đến KDT đặc biệt Gò Tháp ngày càng đông, hàng năm thu hút gần một triệu lượt khách đến tham quan, cúngviếng.

Nhìn chung, các hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng tại KDT Quốc gia đặc biệt Gò Tháp đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả, góp phần hình thành nên diện mạo một “trung tâm văn hóa - du lịch của tỉnh” cũng chính là nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và tham quan, học tập, nghiên cứu của người dân trong và ngoài tỉnh.

Đình Lang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn