Nối nghiệp

Cập nhật ngày: 24/07/2016 04:32:47

Trong chương trình sân khấu cải lương gây quỹ giúp đỡ con em nghệ sĩ nghèo hiếu học, do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, sau từng tiểu cảnh, khi kết thúc mỗi tiết mục, tràng pháo tay cổ vũ đều vang lên rộn ràng. Sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả yêu sân khấu cải lương đã tạo nên nhiều cảm xúc, sự rung động và niềm hy vọng vào tương lai rộng mở của lớp diễn viên nhí - con cháu của các nghệ sĩ sân khấu, đội ngũ kế thừa nối nghiệp ông cha.

Những tài năng nhí

Sau một năm ra mắt, được tham gia một số xuất diễn phục vụ, nhóm Bầu Trời Xanh gồm hơn 10 thiếu nhi là con cháu của các nghệ sĩ, đạo diễn sân khấu cải lương đã dần trưởng thành, tạo được dấu ấn riêng. Để có thể tham gia vào một chương trình biểu diễn cùng các cô chú, cha mẹ là những nghệ sĩ tên tuổi, các em thiếu nhi nhóm Bầu Trời Xanh luôn chịu khó tập luyện cùng các thầy, cô trong hơn một tháng ròng rã tại Hội Sân khấu.


Các diễn viên nhí tham gia trích đoạn Nam quốc sơn hà

Và thành quả chính là chất lượng ca diễn của các diễn viên nhỏ tuổi trong các trích đoạn Nam quốc sơn hà, Tấm Cám, Cây búa thần, Ngao sò ốc hến, Hầu nhi cứu chủ, Chiếc áo thiên nga, Lục Vân Tiên, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. Qua đó, giới chuyên môn cũng nhìn ra được những nhân tố, tài năng sân khấu cải lương mới, có thể là đội ngũ nghệ sĩ kế thừa trong tương lai. Đó là những gương mặt trẻ thơ trong sáng, có chất giọng, sắc vóc, khả năng diễn xuất, được thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật sân khấu từ cha mẹ như: bé Hồng Quyên (con NSƯT Tú Sương), Gia Nguyên (con NSƯT Lê Hồng Thắm), Nhựt Đăng (con NSƯT Lê Tứ), Thảo Trâm (con nghệ sĩ Điền Trung - Lê Thanh Thảo), Kim Thư (con nghệ sĩ Ngọc Trinh)… Dẫu trong nhóm Bầu Trời Xanh vẫn còn có em chưa thật xuất sắc trong giọng ca, phong cách diễn xuất (vì ít thời gian tập luyện, rèn giũa, trải nghiệm với sân khấu), nhưng chính sự dạn dĩ, phong cách tự nhiên, dễ thương, năng khiếu bẩm sinh và cái duyên sân khấu đã giúp các em tạo được sức thu hút, lôi cuốn đặc biệt với khán giả. Có lúc các em tạo nên những nụ cười sảng khoái, lúc lại lấy đi không ít nước mắt người xem.

Đầu tư cho thế hệ nối nghiệp

Ở một góc độ nào đó, hình thức truyền nghề nối nghiệp trong mỗi gia đình nghệ sĩ đạt được hiệu quả hơn so với công tác đào tạo một diễn viên sân khấu chính quy từ các trường đào tạo chuyên ngành. Trước hết là vì hoạt động cha truyền con nối trong nghệ thuật luôn tạo cho các em môi trường tiếp xúc liên tục với sân khấu, với nghệ thuật, ngay từ khi các em còn nhỏ. Nhiệt huyết, tình yêu nghề của cha mẹ cũng dễ tàng tác động lên quan điểm, tư tưởng con trẻ trước khi các em lớn lên và định hình nghề nghiệp. NSƯT Tú Sương tâm tư: “Tôi đã trải qua không ít vất vả, khó khăn mới có thể vững bước nối gót con đường nghệ thuật của ông bà, cha mẹ. Vì thế, nếu các cháu muốn tiếp tục nối nghiệp gia đình thì tôi cũng phải tính toán làm sao để các cháu vừa có thể phát huy năng khiếu, niềm đam mê nghệ thuật, vừa học tốt văn hóa ở trường”.

Nhiều nghệ sĩ đang hoạt động sân khấu đã chia sẻ sự lo lắng, trước tiên là về học vấn của các bé. Tình hình sân khấu cải lương ngày càng bị thu hẹp, không gian biểu diễn ít ỏi, không được biểu diễn thường xuyên, đồng nghĩa với việc ít được rèn nghề, khó phát triển tài năng, chuyên môn, thu nhập cũng vì thế mà bấp bênh. NSƯT Lê Tứ bộc bạch: “Nhìn vào thế hệ trẻ con em mình, tôi rất lo sợ sự mai một. Các em dù có năng khiếu, con chút gien di truyền từ cha mẹ, nhưng không có sân khấu, không được hát, không được tập luyện thường xuyên, lại thấy ba mẹ sống với nghề vất vả quá thì chưa chắc trong tâm trí con trẻ có định hướng sau này theo con đường nghệ thuật. Đặc biệt, sân khấu cải lương lại là bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn đòi hỏi những tài năng, năng khiếu đặc biệt, là nghề cha truyền con nối, nhưng nay điều kiện để người nghệ sĩ làm nghề ít ỏi quá, khó mà tạo được sức lôi cuốn với thế hệ tiếp nối”.

Trở lại với nhóm Bầu Trời Xanh, xem các em diễn, nhiều khán giả cảm nhận như được trở về với không khí của đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long năm xưa - nơi đã đào tạo được những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng cho sân khấu hôm nay. Tuy nhiên, để có thể xây dựng một đội ngũ thế hệ non trẻ ngày càng vững chắc tay nghề, có thể nối nghiệp ông cha, cần thiết phải có một quá trình đầu tư, đào tạo các em về lâu dài, bài bản; tạo cho các em có thêm nhiều điều kiện và cơ hội rèn luyện, tiếp cận với sân khấu…

THÚY BÌNH (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn