Nhiều mô hình hiệu quả góp phần xây dựng đời sống văn hóa
Cập nhật ngày: 27/04/2025 05:22:31

ĐTO - Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh củng cố, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như: Tổ nhân dân tự quản, Hội quán, Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”... Qua đó, phát huy vai trò của người dân trong tham gia đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, tương trợ nhau trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa; khóm, ấp văn hóa; xã, phường, thị trấn tiêu biểu.

Một buổi sinh hoạt của Bình Lý Hội quán (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự)
Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trên địa bàn quan tâm củng cố, nhân rộng các mô hình tự quản hoạt động hiệu quả ở cộng đồng dân cư. Nổi bật là mô hình Tổ nhân dân tự quản. Hiện toàn tỉnh có 12.319 Tổ nhân dân tự quản, với 441.170 hộ thành viên. Các Tổ phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước khác tại địa phương. Đặc biệt là tích cực tham gia hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng” thực hiện nhiều nội dung, phần việc tại cộng đồng như: phát quang bụi rậm che khuất tầm nhìn; thu gom và xử lý rác thải trên các kênh, rạch; trồng hoa, kiểng tạo vẻ mỹ quan cho các tuyến đường nông thôn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Năm 2024, Ủy ban MTTQ các cấp và các Tổ nhân dân tự quản trong tỉnh đã vận động tham gia xây mới 96km đường giao thông nông thôn; rải đá, đắp taluy, sửa đường với chiều dài 272km, tổng kinh phí 104 tỷ đồng; trồng hoa 334km trên các tuyến đường nông thôn; tham gia xây mới và sửa chữa 189 cây cầu bê-tông, giá trị trên 42,5 tỷ đồng...
Hay mô hình Hội quán là một trong những mô hình hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 150 Hội quán, với 7.740 thành viên. Đây là thiết chế mở tự nguyện của cộng đồng dân cư, phát huy vai trò người dân tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong các buổi sinh hoạt Hội quán, các thành viên được chia sẻ và trao đổi các chính sách, chủ trương của Nhà nước, về thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cấp mã vùng trồng, quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi... Qua đó, giúp hội viên nâng cao kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm, đồng thời Hội quán phát huy vai trò liên kết, giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như: Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy, Câu lạc bộ “Người hoàn lương”, Mỗi Chi hội giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững; Điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Các mô hình mang lại nhiều hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo an ninh trật tự, tương trợ hộ nghèo, hộ khó khăn ổn định cuộc sống. Đáng chú ý là các Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”; Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, góp phần tuyên truyền, vận động người dân xây dựng gia đình phát triển bền vững; hỗ trợ tư vấn và phát hiện các vụ việc bạo lực gia đình, góp phần kéo giảm số vụ, việc bạo lực gia đình. Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ bạo lực gia đình (giảm 27 vụ so với năm 2023).
Mô hình Câu lạc bộ “Người hoàn lương”, hiện nay, toàn tỉnh có 67 Câu lạc bộ với 810 thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, Công an xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người hoàn lương; tạo điều kiện cho người hoàn lương được vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng tỉnh để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 389 người hoàn lương được vay vốn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Mô hình Câu lạc bộ “Người hoàn lương” đã trở thành điểm tựa cho những người hoàn lương tham gia sinh hoạt, từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự ti và tái hòa nhập cộng đồng, góp phần hạn chế tái vi phạm pháp luật.
Việc củng cố, nhân rộng các mô hình góp phần thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, nhất là công tác xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Qua đó, từng bước nâng chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
T.L-M.X