Ngủ đò sông Hương - Gạn đục khơi trong

Cập nhật ngày: 24/09/2015 04:23:26

Từ năm 2011, vào dịp Festival Huế, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho đăng ký, khuyến khích các chủ đò nhỏ mở dịch vụ “ngủ đò trên sông Hương” như là những khách sạn nổi và trôi, không đậu một chỗ như những khách sạn nổi quy mô lớn. Từ đó du khách bốn phương, cũng như người dân địa phương có được cái thú ngủ đò trên sông Hương.

Xưa Huế có trên 20.000 con đò nhỏ đơn sơ mái vòm lợp lá, chèo tay, đơn vị hành chánh gọi là vạn đò, một số ít neo đậu cạnh bãi chợ Đông Ba và thành ngữ “đi ngủ đò” thời ấy là trai tráng “xuống xóm, chơi bời” như tiếng lóng trong Nam với gái bán hương sắc - những cô gái mà nhà thơ Hà Liên Tử mô tả: Nửa miệng em cười tươi má phấn/Nửa hồn em khóc kiếp truân chuyên. Nhưng với nhà thơ Tố Hữu, qua tác phẩm Trên sông Hương, ông lạc quan tin tưởng rằng: Bao giờ gạn đục khơi trong/Ngày mai trong nắng trắng ngần/Cô thôi sống kiếp dày thân giang hồ/Em đi với chiếc thuyền không/Khi mô bỏ bến rời dòng dâm ô…


Minh họa: Anh Thiện

Giờ đây, chuyện xưa ấy đã được “gạn đục khơi trong”. Chính quyền địa phương đã đưa phần lớn vạn đò lên định cư trên đất liền, số còn lại được hỗ trợ cải tạo mái vòm thành mái bằng và khuyến khích chủ đò chuyển qua làm dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu “ngủ đò sông Hương” thanh cao lành mạnh, xóa nhòa đi hình ảnh của con đò dung tục xa xưa.

Cũng những chiếc đò mái lá chèo tay đó, giờ đây là nhà nghỉ nổi trôi, khách đi theo nhóm bạn hay gia đình, chèo ngược lên hướng chùa Thiên Mụ, vui chơi ngâm thơ, ca hát cho nhau nghe… Đến khuya, thì chèo về neo đậu bên sông Bến Ngự hay cặp bờ thôn Vỹ Dạ, gọi xuồng chèo di động, ăn món bánh canh nóng, khách vào giấc ngủ bình yên…

Đò mái lá đó cũng ví như chiếc bình, bình cũ nhưng nay thay rượu mới, rượu lành mạnh thanh cao để khách tìm cái thú ngủ đò sông Hương đã được gạn đục khơi trong.

LÊ VĂN SÂM(SGGP)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn