Một Di tích cấp tỉnh đang “thoi thóp”

Cập nhật ngày: 10/05/2019 12:30:00

ĐTO - Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa (tọa lạc tại đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP.Sa Đéc) đã được UBND tỉnh Đồng Tháp xếp hạng là Di tích cấp tỉnh vào năm 2006. Hiện nay, di tích này bị xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được trùng tu, sửa chữa. Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền địa phương và người dân - chủ sở hữu di tích chưa tìm được “tiếng nói chung”.


Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa đang treo tại Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Sa Đéc

Căn nhà số 115 trở thành “địa chỉ đỏ”

Theo thông tin trong tài liệu “Đồng Tháp 300 năm” của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, từng có tài liệu lịch sử nhắc đến căn nhà số 115, đường Vĩnh Phước, TX.Sa Đéc. Sau năm 1975, căn nhà số 115 đổi thành số 22/1 và hiện tại là số 485, đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP.Sa Đéc. Sau khi Tỉnh ủy được hợp nhất, Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập, căn nhà số 115 trở thành Trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa và Tỉnh ủy Sa Đéc. Căn nhà số 115 chính là nơi Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Khởi nghĩa lâm thời tỉnh Sa Đéc, mà trực tiếp là đồng chí Trần Thị Nhượng (Sáu Ngài) chỉ huy cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Sa Đéc. Đầu tháng 8/1945, từ căn nhà này, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Sa Đéc và đồng chí Sáu Ngài vận động đại biểu đại diện các giới, các tôn giáo, đảng phái gia nhập Mặt trận Việt Minh.

Đêm 24/8/1945, từ căn nhà số 115, Ủy ban Khởi nghĩa chỉ đạo huy động lực lượng quần chúng trong TX.Sa Đéc và các xã, huyện lân cận. Sáng sớm ngày 25/8/1945, hàng ngàn người dân kéo đến vây quanh dinh Tỉnh trưởng và trên đoạn đường từ căn nhà số 115 tới cầu Sắt Quay. Được quần chúng hỗ trợ tạo áp lực với địch, đồng chí Sáu Ngài tiến thẳng vào dinh Tỉnh trưởng, bất chấp lính tráng địch canh phòng, thị uy, đe dọa. Ở tư thế của người đang làm chủ tình hình, đồng chí Sáu Ngài vừa thuyết phục, vừa răn đe, buộc Tỉnh trưởng Bửu, Phó Tỉnh trưởng Kiệt phải đồng ý và đi sang Trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa (tại số nhà 115) để bàn giao chính quyền. 14 giờ ngày 25/8/1945, toàn bộ chính quyền tỉnh Sa Đéc về tay nhân dân.

Căn nhà số 115 không chỉ tạo dấu ấn lịch sử ở thời điểm Cách mạng tháng Tám, mà vào khoảng năm 1939 đến trước Cách mạng tháng Tám nổ ra, căn nhà số 115 cũng đã che chở nhiều chiến sĩ cách mạng bị Pháp quản thúc tại đây. Căn nhà số 115, đường Vĩnh Phước (cũ) đi vào lịch sử cách mạng tỉnh Đồng Tháp trong mốc son hào hùng của dân tộc. Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết năm 2006, đồng chí Trương Ngọc Hân - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ đã ký Quyết định số 1684/QĐ-UBND-HC xếp hạng Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa (ngay tại căn nhà số 115) là Di tích cấp tỉnh.


Ít ai ngờ đây là Di tích cấp tỉnh Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa

Hoang tàn, đổ nát

Gần đây, tìm đến căn nhà số 485, đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP.Sa Đéc, chúng tôi thật sự xót xa, chạnh lòng cho một di tích cấp tỉnh. Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, căn nhà 115 thay đổi nhiều chủ sở hữu; số nhà cũng đổi thay. Dáng dấp cũ vẫn còn giữ được nhưng căn nhà bị xuống cấp trầm trọng. Đó là một căn nhà cổ nằm phía sau những cây dù to tướng (do người dân ở gần đó để nhờ), lọt thỏm giữa nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang. Mái ngói thủng nhiều nơi; cột nhà bị “bào mòn” chực chờ gãy đổ; những mảng tường pêtông bị bong tróc; hàng ba (phần hành lang trước ngôi nhà) trở thành nơi chứa nhiều loại rác thải; cửa nhà khóa im lìm... Nhìn qua khe cửa nhỏ, chúng tôi thấy những tấm ảnh đen trắng nằm trên bàn thờ, bám đầy bụi; những con dơi đu đưa.

Cô Hai - một người dân sống gần căn nhà số 485 cho hay: “Căn nhà này bỏ hoang cũng khá lâu rồi. Nghe đâu chủ nhà và Nhà nước chưa thỏa thuận thống nhất việc hoán đổi, đền bù gì đó nên căn nhà cũng chưa được sửa chữa”. Qua lời chỉ dẫn của cô Hai, chúng tôi lần tìm bà Hồ Kim Hoa (ngụ phường 1, TP.Sa Đéc) là người đại diện chủ sở hữu căn nhà số 485. Theo bà Kim Hoa, chủ nhà số 485 là mẹ chồng của bà - bà Phùng Kim Oanh (đã qua đời). Chồng bà Hoa - ông Phùng Khắc Minh là con duy nhất, thừa kế tài sản do mẹ để lại. Nhưng chồng bị bệnh nên bà Hoa là người đại diện. Suốt nhiều năm, gia đình bà không hề hay biết việc căn nhà số 485 của mình được xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Cách đây khoảng 7 năm, do nhà quá xuống cấp, gia đình bà có xin phép chính quyền địa phương để sửa chữa. Lúc đó mới hay nhà mình là Di tích cấp tỉnh, không được phép sửa chữa.


Bàn thờ tổ tiên và vật dụng của gia đình bà Hồ Kim Hoa vẫn còn trong căn nhà số 485

Chờ đợi trùng tu, tôn tạo

Mấy năm qua, đại diện lãnh đạo TP.Sa Đéc và bà Hồ Kim Hoa nhiều lần gặp gỡ, thỏa thuận cách giải quyết nhằm sớm trùng tu, tôn tạo Di tích Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa. Để Nhà nước toàn quyền quản lý, phương án hoán đổi di tích với phần đất có giá trị tương xứng cho gia đình bà Hoa được đưa ra. Qua công tác thẩm định giá trị của ngành chuyên môn, UBND TP.Sa Đéc đồng ý đổi cho gia đình bà Hoa 1 ngôi nhà (diện tích gần 66m2, trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Sa Đéc) để nhận lại Di tích Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa. Tuy nhiên, gia đình bà Hoa cho rằng, sự hoán đổi đó không tương xứng về giá trị kinh tế nên chưa đồng ý. Cũng có lúc bà Hoa đề nghị UBND TP.Sa Đéc xem xét, trả di tích cho gia đình bà quản lý, tự sửa chữa theo ý của gia đình.


Phần mái của Di tích Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa bị hư hỏng nghiêm trọng

Tuy nhiên, với mong muốn giữ gìn, tôn tạo, trùng tu Di tích cấp tỉnh Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa, UBND TP.Sa Đéc vẫn kiên trì thương thảo với gia đình bà Hoa. Tại buổi làm việc gần đây nhất (tháng 4/2019) với lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) cùng UBND phường 1, bà Hồ Kim Hoa thống nhất hoán đổi Di tích Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa với 1 căn nhà đã được thỏa thuận trước đây (căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo) và thêm 1 lô nền rộng 100m2 (ở mặt tiền đường Trần Thị Nhượng hay đường ĐT848). Hoặc hoán đổi với 2 lô nền (nền đôi) nằm mặt tiền đường Trần Thị Nhượng hay đường ĐT848. Bà Hoa cũng đề nghị, nếu Nhà nước chấp thuận hoán đổi như yêu cầu của bà thì sớm trùng tu, tôn tạo di tích để tạo vẻ mỹ quan cho thành phố. Lãnh đạo Phòng VH&TT TP.Sa Đéc ghi nhận ý kiến của bà Hoa, báo cáo với Thành ủy, UBND thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xem xét, giải quyết.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng Phòng VH&TT TP.Sa Séc cho biết: “Bản thân tôi cũng như lãnh đạo TP.Sa Đéc rất mong sớm giải quyết việc hoán đổi để trùng tu, tôn tạo Di tích Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa. Di tích sẽ là nơi thờ cô Sáu Ngài; địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Khoảng 1 năm kể từ khi về giữ vai trò lãnh đạo Phòng VH&TT đến nay, tôi đã 5 lần tham gia làm việc với bà Hồ Kim Hoa nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả cuối cùng”. Trong khi chờ chính quyền địa phương và gia đình bà Hồ Kim Hoa tìm được “tiếng nói chung” trong việc hoán đổi, bồi thường thì di tích đang xuống cấp từng ngày. Sau 13 năm được xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thay vì được quản lý, sử dụng hiệu quả thì Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa lại dần bị hư hại nghiêm trọng. Hiện, Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa được treo tạm tại Phòng VH&TT TP.Sa Đéc.

* Bài viết có trích lược tài liệu “Đồng Tháp 300 năm” của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn