Chấn chỉnh hoạt động ca hát tại đám tiệc, lễ hội:

Khi chưa có sự vào cuộc quyết liệt

Cập nhật ngày: 20/01/2016 11:23:38

Gần như là phong trào, hễ cứ có tiệc cưới, đầy tháng, sinh nhật lần thứ nhất,... không ít gia đình lại thuê giàn âm thanh khủng về phát nhạc. Văn nghệ tại đám tiệc được xem như nhu cầu giải trí. Song, thực trạng hiện nay là nhiều người lợi dụng âm nhạc trong đám tiệc để đờn ca thâu thêm suốt sáng, chỉnh âm thanh gần như hết cỡ để tra tấn mọi người. Người dân đâu đâu cũng than phiền trước những cặp loa khủng trong xóm mình, chính quyền địa phương và ngành chức năng dù biết việc phát nhạc trong đám tiệc quá thời gian và âm lượng cho phép nhưng suốt thời gian dài tình trạng này không có tiến triển.

Xóm làng bị âm thanh “hành”

Trước tiên là chuyện ca hát trong tiệc cưới. Theo quy định âm nhạc trong tiệc cưới phải lành mạnh, âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép; không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 10 giờ đêm. Thực ra, âm nhạc trong tiệc cưới cũng tạo sự vui tươi nhưng âm lượng như thế nào, khi nào được phép mở nhạc thì không ít tiệc cưới từ thành thị đến nông thôn gần như không quan tâm đến việc này. Đã nhiều lần chúng tôi chứng kiến các gia đình có tổ chức tiệc cưới cho mở nhạc, hát đến 11, 12 giờ khuya, có khi kéo dài đến 1, 2 giờ sáng hôm sau. Mà những người hát vào thời điểm đó đa phần là những người say rượu, vừa hát sửa lời bài hát vừa nói chuyện trong micrô, âm thanh nghe chát chúa từ dàn loa “khủng” khiến người dân trong xóm chịu trận “đinh tai nhức óc”.

Nhiều người cứ cho rằng do người dân Nam bộ dễ thông cảm, xuề xòa cho qua chuyện vì nghĩ rằng đám tiệc lâu lâu có một lần nên không phản ứng. Tuy nhiên, đi đâu cũng nghe mọi người than phiền việc dàn âm thanh tại các đám tiệc gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, những người lao động nặng nhọc không thể có giấc ngủ ngon sau thời gian làm việc vất vả. Gần đây, trên các trang mạng xã hội, không ít người dân Đồng Tháp than thở và bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng hát văn nghệ tại các tiệc cưới diễn ra tràn lan không kể giờ giấc như hiện nay. Qua đây cho thấy, không phải người dân không muốn phản ứng trước những hành động không đúng trong việc phát nhạc tại các tiệc cưới mà do nếu phản ứng dễ gây mích lòng sinh chuyện cãi vã,...

Giờ tại các tiệc đầy tháng, sinh nhật, đám giỗ,... thậm chí vào những ngày thường, một số gia đình chơi sang mướn hoặc sắm nhiều cặp loa về để gần cửa chính của nhà rồi hằng đêm mở ca nhạc phát công suất cực lớn dường như muốn cho cả xóm cùng nghe nhạc mà mình thích.

Và trách nhiệm của chính quyền địa phương

Tháng 11/2014, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động vi phạm tại tiệc cưới, tang, lễ hội và các lễ, tiệc khác. Đáng chú ý là công văn có quy định chức năng, nhiệm vụ của từng ngành rất cụ thể (ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) quản lý về nội dung bài hát; ngành tài nguyên và môi trường quản lý về độ ồn âm thanh; nhiệm vụ của các cấp đoàn thể, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm,...), thế nhưng việc xử lý độ ồn, nội dung bài hát trong tiệc cưới hay thời gian cho phép mở nhạc đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến. Ông Phạm Văn Lâm - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ tháng 11/2014 đến nay, toàn tỉnh không có xử lý trường hợp nào vi phạm về độ ồn âm thanh tại các đám tiệc. Cũng theo Chi cục này, việc quản lý và xử lý độ ồn của các nhà máy thì dễ nhưng quản lý độ ồn tại các điểm có liên quan đến văn hóa thì khó do độ ồn phát sinh tại các đám tiệc vào một thời điểm nhất định, thời gian phát sinh ngắn thì khó đo độ ồn, ngoài ra chuyện xử phạt độ ồn trong đám tiệc rất tế nhị và không nên, chủ yếu là các ngành, đoàn thể địa phương cần tuyên truyền vận động để người dân có ý thức.

Không chỉ người dân bức xúc trước việc bị tra tấn bởi các cặp loa “khủng” trong đám tiệc mà những cán bộ làm công tác trong lĩnh vực văn hóa cũng lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống văn hóa địa phương. Ông Trần Tấn Lực - Phó Chánh Thanh tra, Sở  VH,TT&DL cho biết: Thời gian qua, ngành VH,TT&DL rất quan tâm vấn đề âm thanh đám tiệc ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay ngành đang gặp khó vì thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ với ngành tài nguyên và môi trường trong việc xử lý độ ồn âm thanh. Ngoài ra, công văn về việc chấn chỉnh hoạt động vi phạm tại tiệc cưới, tang, lễ hội và các lễ, tiệc khác của UBND tỉnh ban hành năm 2014 cũng nêu cụ thể là nhiệm vụ của từng ngành, nhiệm vụ của UBND huyện, xã, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi xã,... trong công tác vận động, tuyên truyền, khuyên người dân thực hiện tốt việc tổ chức văn nghệ tại các đám tiệc nhưng nhìn chung các ngành chưa thực hiện tốt vai trò của mình. Trước thực trạng này, trong năm qua, một số huyện đã mời những chủ cho thuê dàn âm thanh đến ký cam kết thực hiện đúng quy định về thời gian, âm lượng phục vụ tại tiệc cưới. Tuy nhiên, ông Lực cũng nhận định, đó chỉ là giải pháp bước đầu, còn vai trò người làm công tác văn hóa cơ sở và chính quyền địa phương có tác động rất lớn trong việc chấn chỉnh hoạt động ca hát tại các đám tiệc.

Thực tế cho thấy sự vào cuộc thiếu quyết liệt trong việc chấn chỉnh hoạt động âm thanh vi phạm tại tiệc cưới, tang,... đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, các ngành liên quan, đặc biệt là các hội, ngành, đoàn thể cấp xã không phối kết hợp tuyên truyền, giáo dục, xử lý và ngăn chặn hành vi này thì liệu không biết đến khi nào nhiều người mới khỏi bị tra tấn bởi những dàn âm thanh “khủng” từ tiệc cưới và các đám tiệc khác.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn