Hồng Tơ: 'Tấu hài ngày càng kém hấp dẫn'
Cập nhật ngày: 29/03/2015 04:42:14
Nghệ sĩ cho rằng, việc lạm dụng yếu tố hài trong các chương trình truyền hình khiến khán giả cảm thấy nhàm chán và nghệ sĩ mất cảm hứng làm nghề.
- Nhiều diễn viên hài xuất hiện trong các gameshow còn anh thì không. Vì sao vậy?
- Có nhiều lý do khiến tôi từ chối tham gia gameshow dù được mời. Tôi là nghệ sĩ mà tên tuổi đã định hình với khán giả, nên không thể để uy tín bị ảnh hưởng khi lên gameshow làm đủ chiêu trò. Ví dụ với những chương trình phải chọc cười bạn chơi, nếu tôi dùng hình thể, ngôn ngữ mà bạn chơi không cười thì rất kỳ, rất phản cảm.
Tôi cũng không thể tham gia những chương trình mà trong đó tôi làm thí sinh để cho những đứa em của mình ngồi nhận xét. Gần 20 năm trước, khi tôi được bình chọn là một trong 10 danh hài miền Nam, Hoài Linh vẫn còn theo tôi đi xem diễn. Rõ ràng, tự trọng nghề nghiệp không cho phép khi tôi là đàn anh mà lại để cho đàn em nhận xét, đánh giá mình.
Danh hài Hồng Tơ (trái) tên thật là Cao Văn Tơ, sinh năm 1963 tại Tiền Giang.
- Anh đánh giá thế nào về những chương trình khai thác tiếng cười trên truyền hình hiện nay?
- Tôi cho đó là một con dao hai lưỡi. Khi nghệ sĩ hài xuất hiện quá nhiều mà không có điều gì mới, chỉ bấy nhiêu chiêu trò sẽ khiến khán giả chán ngán. Khi yếu tố hài được khai thác triệt để trong các gameshow, tôi tin sự sáng tạo của nghệ sĩ ít nhiều vơi đi. Giống như quả chanh vắt mãi sẽ cạn nước. Thành ra, khán giả bây giờ ít mặn mà với tấu hài, nghệ sĩ vơi dần đam mê với nghề. Sân khấu tấu hài hiện nay giống thực trạng của cải lương những năm đầu thập kỷ 1990. Ngoài những tên tuổi lớn, diễn viên hài đâu còn nhiều đất dụng võ trên sân khấu mà phần lớn đi đóng phim truyền hình.
- Nếu nói sự dịch chuyển này của các nghệ sĩ có liên quan đến tài chính, anh nghĩ sao?
- Tôi biết, thù lao quay phim truyền hình không nhiều, chừng hơn một triệu đồng cho một ngày. Địa điểm quay khá xa, trừ tất cả chi phí, có khi diễn viên chỉ nhận về chừng 700 - 800 nghìn đồng. Tôi thấy số tiền đó không xứng với tên tuổi và công sức mình bỏ ra. Tất nhiên có những em nhỏ cần có công việc để mưu sinh, có chỗ đứng trong nghề nên buộc phải tham gia.
Ngày trước tôi cũng vậy, có vai là vui, nhưng bây giờ khi có chút uy tín trong nghề, làm việc gì tôi cũng phải cân nhắc. Đâu phải trong trường hợp nào người nghệ sĩ cũng làm tròn vai. Nhiều khi mở TV, xem lại một số vai mình từng đóng, tôi thấy xấu hổ vô cùng. Bản thân mình đã chán mình như vậy thì khán giả làm sao chấp nhận nổi.
- Thời gian này, anh xuất hiện trong một số phim truyền hình. Anh nghĩ sao nếu nói anh đang chịu áp lực tài chính?
- Có nhiều phim mời nhưng không phải phim nào tôi cũng nhận. Chỉ những vai diễn phù hợp tôi mới tham gia. Bây giờ, nhà sản xuất tìm mọi cách cắt xén chi phí. Một phân đoạn phim dài bằng cả tiểu phẩm, cỡ như tôi được trả 700 nghìn đồng. Trừ tất cả chi phí đi lại, phục trang, diễn viên nhận về chẳng là bao. Có một nghịch lý là thù lao chỉ có vậy nhưng vẫn có nhiều diễn viên trực chờ để nhận vai, thậm chí, nhận vai không công hoặc phải chi tiền để có vai diễn.
Các tụ điểm giải trí trong thành phố vắng khách nhưng thù lao tấu hài của tôi vẫn cao. Ngoài chi phí lo cho sinh hoạt cả gia đình, tôi vẫn còn dư. Mỗi lần đi diễn ở những buổi tiệc hay sự kiện lớn, cát-xê lên tới hàng chục triệu đồng. Do đó, không thể nói tôi đi đóng phim vì chịu áp lực về tiền bạc.
Hồng Tơ (phải) trong một tiểu phẩm đóng cùng ca sĩ Nhật Kim Anh.
- Anh giải thích sao về thực trạng sân khấu tấu hài ngày càng thưa vắng khán giả?
- Cách đây hơn 10 năm, khán giả còn cuồng nhiệt với các tiểu phẩm hài. Vào những dịp lễ, Tết, có khi chúng tôi chạy 14-15 show một ngày. Thời đó, thù lao ít nhưng nhiều chương trình, còn hiện tại thù lao cao nhưng suất diễn giảm dần. Một số tụ điểm giải trí trước kia sáng đèn hàng đêm, bây giờ chỉ hoạt động 2-4 đêm trong tuần. Bước lên sân khấu mà dưới khán đài 2.000 chỗ chỉ lèo tèo hơn một trăm khán giả, nghệ sĩ còn đâu cảm hứng để diễn. Từ lâu, tôi không còn niềm hứng khởi, hăng say khi đứng trên sân khấu. Tôi diễn vì yêu cầu công việc phải thế, mà không diễn vì đam mê như trước kia.
- Anh dự tính sao nếu tổ nghiệp không còn ưu đãi mình trên sân khấu?
- Tôi là một người lo xa. Những năm 1990, khi nghệ sĩ cải lương rầm rộ thâu băng, tôi đã sớm biết được sự thoái trào nên chuyển qua tấu hài. Thực tế, tôi không bị rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo như một số nghệ sĩ cải lương tuổi xế chiều. Bây giờ cũng vậy, tôi đang hùn vốn cho công việc kinh doanh riêng của mình. Một số nghệ sĩ thường đưa vợ diễn chung trong các tiểu phẩm của mình nhưng tôi không làm vậy. Tôi hướng cô ấy vào việc kinh doanh. Con gái đã hai tuổi, tôi gửi cháu vào trường mầm non để vợ có thời gian làm quen với công việc.
Gia đình hạnh phúc của nghệ sĩ Hồng Tơ.
- Khoảng cách về tuổi tác của hai vợ chồng gây khó khăn thế nào cho cuộc sống của anh?
- Tất nhiên trong cuộc sống, cả hai cũng có những va chạm, nhỏ nhất như việc nấu ăn. Cô ấy là người gốc Huế, tôi người miền Tây, chuyện ăn uống đôi khi không hợp nhau. Tôi xác định mình lớn hơn, đã trải qua đổ vỡ nên rất quý trọng những gì mình đang có.
Nhiều người nói tôi chiều vợ. Thật ra, tôi tôn trọng cô ấy chứ không nhún nhường vì cô ấy trẻ, xinh đẹp. Với gia đình cô ấy, tôi luôn làm đúng phận sự của người con. Tôi không vì mình lớn tuổi, là nghệ sĩ nổi tiếng mà bỏ qua mọi phép tắc, vai vế trong nhà, dù bố mẹ vợ chỉ lớn hơn tôi vài tuổi.
Châu Mỹ -VnExpress