Hà Nội - tứ thân và váy hoa

Cập nhật ngày: 14/05/2018 09:00:52

Tôi nhớ lần rủ cô bạn đi bộ qua các con phố Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, rồi rẽ sang Hàng Ngang, xuôi theo tuyến Hàng Lược. Suốt cả đường đi, cô bạn sống ở Hà Nội 40 mùa mưa nắng, và làm việc ngay cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm ngỡ ngàng như... lần đầu tham quan Hà Nội!

Ồ, kia là cái ban công, với những thanh sắt uốn cong thanh nhã. Màu thời gian này, kiểu cách này chắc cũng non cỡ tuổi cầu Long Biên. Những vòm cửa, những cột giả đắp bằng vữa mờ rêu. Không sai được, đấy là phong cách kiến trúc người Pháp đã mang sang xứ Đông Dương trăm năm về trước. Một quãng nữa, bắt gặp một cái ban công mang đường nét kiến trúc Pháp hòa trộn với cái tinh tế, tỉ mỉ của phong cách Á đông... Thi thoảng, một cái cây nhỏ nhắn mọc ra từ kẽ nứt vôi vữa trên những mảng tường bong tróc. Dù sửa chữa, dù cơi nới, vẫn còn đó những ô cửa sổ thâm trầm, cảm giác sau đó vẫn còn nguyên một thiếu nữ Hà thành tư lự về phía xa xăm. Lại một ban công cổ. Phía trên là một vòm bê tông mềm mại như chiếc lọng. Dưới đó, một mái đầu bạc trầm tư. Ngày hôm ấy, nhằm đúng ngày những cây bàng tô màu cho phố bằng những chồi non biếc xanh...

Tôi ngờ rằng nhiều người Hà Nội cũng vẫn ngạc nhiên về chính nơi mình đang sống như thế.

Thời gian như những con sóng xô vào phố cổ. Khi âm thầm, khi dữ dội. Nhiều thứ đã bị cuốn đi. Rất hiếm tìm được những gia đình sống ở Hà Nội ba, bốn đời trụ lại mặt tiền. Mặt tiền phố cổ giờ là của người Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định... rồi miền Trung Thanh – Nghệ... đủ cả. Có những con phố mà chủ nhân của các ngôi nhà mặt tiền, hỏi ra, rất nhiều người Lạng Sơn. Ra là người Lạng Sơn đánh hàng từ Trung Quốc về buôn bán. Mua nhà phố cổ kinh doanh cho tiện.

Thanh nhã, thâm trầm là đặc tính của người Hà Nội xưa. Người "phố Hàng" vốn chỉ quen với những món đồ thủ công, những loại quà bánh mà chính bàn tay họ dự phần làm ra. Bỗng một ngày người ta nhận ra, cái thanh nhã thâm trầm trở nên yếu thế trước cái chao chát, cái ganh đua cái ý chí "quyết ở Thủ đô" trong kinh doanh của người tứ xứ. Người Hà Nội cũ, hoặc chuyển đi, hoặc co vào phía trong, hoặc rút lên những căn gác nhỏ.

Phố cổ, được nhào nặn bởi bàn tay những con người không có ký ức về Hà Nội.

Để rồi, ngày ngày chúng ta vẫn đi trên những con phố, vẫn mang danh phố cổ. Nhưng không phải để ngắm. Từ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, đến Hàng Gà, Hàng Cót... đã quá nhàm những cửa hiệu sáng choang. Giờ có công nghệ đèn led, nỗi lo tốn điện giảm đi, và những nhấp nháy càng thêm phần phong phú.

Nhiều người bảo, Hà Nội không khác bất kỳ một đô thị nào ở xứ sở này. Điều đặc trưng hơn là mặt tiền các ngôi nhà được... cắt nhỏ hơn. Phố, ngõ nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Nhưng đấy là khi họ chưa có dịp nhìn lên tầng hai của những con phố. Hà Nội của những ngày xưa cũ vẫn vẹn nguyên. Có lần, khi người ta định thay thế hoàn toàn xích lô bằng xe điện, tôi đã hậm hực mà rằng: "Thật chả hiểu quái gì về Hà Nội. Không thể "cảm" được Hà Nội bằng tốc độ của xe điện được". Xích lô là một câu chuyện khác. Dù đôi khi xích lô gây không ít phiền hà trong công cuộc giao thông. Nhưng chỉ cuộc du ngoạn chậm rãi ấy, mới đủ thời gian cho người ta ít nhiều tìm được cái đẹp dung dị đang còn lẩn khuất.

Tôi thích ví phố cổ là một cô gái duyên thầm. Và hôm nay, cô gái ấy đang mặc một cái áo tứ thân duyên dáng, nền nã bên trên và diện một chiếc váy hoa lòe loẹt ở bên dưới. Có khi đó còn là chiếc váy ngắn cẫng, phô ra những hình xăm trên cặp đùi.

Có lần tôi chất vấn một người rất mê Hà Nội, rằng Hà Nội đã "biến hình" đến mức khó nhận ra như thế, mà sao người ta vẫn cứ yêu. Anh bạn nhún vai: "Ai là người bỏ người mình yêu, khi người ấy xấu đi? Nhưng thay vì tình yêu "thuở ban đầu", giờ phải tìm cớ để yêu "nàng". Tôi nhìn lại mình. Anh bạn nói đúng. Dù trên tứ thân, dưới váy hoa, tôi vẫn nỗ lực yêu Hà Nội.

TUỆ MINH (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn