Gió thổi sau hè - dòng tự sự đằm thắm

Cập nhật ngày: 04/01/2021 09:44:44

Bút danh Kim Thắm rút gọn từ cái tên khai sinh Nguyễn Thị Kim Thắm - một giáo viên dạy môn Hóa học cấp 3, nhưng mê sáng tác văn chương đến độ say đắm, thăng hoa. Kim Thắm sinh năm 1976, nguyên quán: Châu Thành, Bến Tre. Đồng Tháp là nơi chị lập nghiệp và cũng chính là quê hương thứ hai của mình. Chị được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp năm 2010 và vẫn đang được coi là một cây bút trẻ, nhất là trong mảng văn xuôi tự sự, cụ thể là truyện ngắn.

Đây là tập sách đầu tay của Kim Thắm, tuyển chọn từ mấy chục truyện ngắn đã viết và in ấn trên báo chí chuyên ngành, kể từ khi cầm bút đến nay.

Điều nổi bật và tác động trực diện đến cảm xúc đồng tác giả nơi người đọc, từ Gió thổi sau hè, có lẽ là bởi chất giọng thấm đẫm ngôn phong của một nhà sư phạm. Cái tôi tự sự nơi các truyện ngắn trong Gió thổi sau hè thường đứng tại vị trí và đảm nhận vai trò có thực ngoài đời của tác giả - một giáo viên đang trên bục giảng. Điều đó, chắc chắn một phần làm nên phong cách ngôn ngữ văn chương như đã nói ở trên. Đó là chưa kể, không ít nhân vật trong 15 truyện ngắn được tuyển chọn, đều hoặc là giáo viên hoặc là sinh viên trường sư phạm đang học hay đi thực tập. Nghề giáo và nghề văn đã thấm đẫm, hài hòa theo một cách riêng và rất đáng yêu, đáng quý trong Kim Thắm.

Cái đằm thắm dễ thấy đầu tiên trong Gió thổi sau hè, đó là, trong hầu hết các truyện ngắn ở đây, miền quê Nam bộ hiện lên một cách hiền hòa, mộc mạc, chân chất đến độ tinh sạch, thanh khiết. Cái miền quê đằm thắm trong Gió thổi sau hè không chỉ hiện lên nơi bốn mùa thiên nhiên Xuân - Hạ - Thu - Đông mà hơn thế, thấm đẫm, miên man trong những mùa đặc trưng - mùa cây trái, mùa sản vật... Đó là mùa cất vó với lối tỏ tình bằng bông so đũa của Châu Thổ với Phù Sa rất đỗi mộc hiền, dễ thương. Đó là mùa quýt chín với mối tình của The và Thìn quyện trong mùi cá nướng trui, mùi rơm, mùi ấu luộc, mùi sen, mùi thơm bông bưởi, mùi vỏ quýt... quyến rũ đến nao lòng. Đó là mùa ong mậttình yêu độc đáo của Tịnh và chú Quí như trôi đi giữa một vùng thoang thoảng hương chanh và ngọt ngào hương mật. Đó là mùa bông súng nởtình bạn hiếm có của Mây và Yên - cô bé bị liệt hai chân, gắn bó keo sơn trong những buổi đưa nhau đến trường và trong những lần nấu chuối hoặc đốt lửa nướng khoai lang, vừa nằm võng ăn khoai vừa nghe ba tôi đờn vọng cổ. Ngay cả mùa lá rụng xuống khoảng nhỏ bi kịch hạnh phúc của một người đàn bà cũng rất đỗi đằm thắm, bởi: Đôi khi chị tự hỏi lòng, không biết vì mùa thu đến làm cho lá rụng hay do lá rơi nhiều mà dẫn đến mùa thu?

Cái đằm thắm của miền quê trong tập truyện ngắn của Kim Thắm còn là một làn gió thổi sau hè hay một khoảng trời xanh, một thoáng hương húng lủi hay một miền huyền hoặc mùi hương cải xanh... Người đọc đặc biệt ấn tượng bởi nhiều truyện ngắn trong tập, con đường đá đỏ được nâng cấp thành con đường lát đan liên xã, lặp đi lặp lại, tạo nên một hình ảnh khó quên - như một ẩn dụ - về một miền quê nghèo khó đang từng ngày vươn mình phát triển, dẫu có lâu lắc chút đỉnh nhưng tràn đầy khấp khởi, tin yêu.

Như đã nói ở trên, nhân vật của Kim Thắm trong Gió thổi sau hè, phần nhiều là giáo viên hoặc sinh viên ngành sư phạm. Bản thân nghề giáo đã tạo sẵn sự đằm thắm trong tính cách nhân vật, tác giả chỉ cần xây dựng, kết nối thêm mà thành. Trong Viết cho ngày nắng, người đọc bắt gặp hình ảnh một cô giáo, hàng ngày hòa mình vào cuộc sống đời thường của bao lớp người lao khổ hay có hoàn cảnh éo le (như chị Năm bán rau; đứa bé tên Hạnh bán bắp luộc; cô học trò lớp 11 lỡ làng tên N...) với tấm lòng nhân ái giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Người đọc quá đỗi xúc động trước nỗi ngóng chờ của cô giáo với chị bán ve chai mỗi khi chủ nhật đến. Hình ảnh ẩn dụ ngày nắng đẹp của truyện ngắn, khiến lòng chúng ta trở nên tươi sáng, đằm thắm hơn. Đó chính là những ngày nắng đẹp của tình người, của lòng bao dung, của triết lý sống mình vì mọi người... Trong Hoa nắng, Bảo, tuy có một đời tư đầy bi kịch, một chặng đời sinh viên vui nhưng lắm khó khăn, song khi ra trường đi dạy học, đã trở thành một cô giáo yêu nghề, giàu lòng trắc ẩn và nhân hậu, biết trân trọng, cảm thông, sẻ chia mọi điều với tất cả mọi người. Chỉ đọc dòng sau thôi, người đọc cũng đã thấy, cô giáo Bảo hiền hậu, bao dung, tinh tế đến cỡ nào: Bảo nghe ngoài sông, cá... thở (cách nghe này do mấy đứa con nít dạy cho cô).

Không chỉ những nhân vật nhà giáo làm nên nét đằm thắm cho tập sách mà các tuyến nhân vật khác cũng vậy. Dẫu tính cách biểu lộ có khác hơn thì chung quy, những nhân vật như cô Út - bộ đội (trong Hoa tháng Tư); Thảo - nhà báo (trong Gió thổi sau hè); Thủy - kỹ sư nông nghiệp (trong Đất khát)... cũng là những người hiền, bên cạnh những nhà giáo, làm nên hệ thống nhân vật đẹp của Gió thổi sau hè.

Mấy dòng thay lời tựa chỉ mang tính giới thiệu là chủ yếu, chắc chắn không thể nói được một cách đầy đủ, sâu sắc về tất cả mọi phương diện của tập truyện ngắn. Việc này, tin rằng, những cây bút lý luận - phê bình sẽ thực hiện, sau khi sách ra mắt, từ những đánh giá mang tính tổng thể hay đi sâu vào nhiều khía cạnh giá trị nghệ thuật của tác phẩm - ví dụ, bàn về mùa, về hương, về cây, về tình yêu lứa đôi, về tuyến nhân vật giáo viên, về tiếng Xời ơi... trong ngôn ngữ đối thoại, về những trích đoạn ca khúc hay cải lương trong truyện chẳng hạn... Có thể, chính những điều này đã làm nên nét phong cách rất riêng của cây bút truyện ngắn Kim Thắm, khi đặt trong tổng thể nền văn xuôi đương đại ở Đồng Tháp?

Dẫu nhìn một cách khái quát như vậy, tác giả những dòng này vẫn nhận thấy một cách rõ rành, Gió thổi sau hè là tập truyện ngắn đầu tay nhưng là một cuốn sách đẹp, chững chạc, lấp lánh dư ba...

Người đọc hoàn toàn có quyền hy vọng về những truyện ngắn mới và hay của Kim Thắm trong chặng đường sáng tạo phía trước.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn