Giả… tràn lan

Cập nhật ngày: 15/07/2016 06:11:18

Có thể thấy, chưa bao giờ, sân khấu truyền hình lại nhiều cái “giả” như hiện nay. Hàng loạt gameshow truyền hình Gương mặt thân quen, Biến hóa hoàn hảo, Đấu trường tiếu lâm, Cười xuyên Việt… liên tục xuất hiện hình ảnh thí sinh - nam ca sĩ hóa trang thành nữ ca sĩ; nam giả giọng nữ, trai giả gái diễn hài… kệch cỡm, bát nháo, kém thẩm mỹ, phản cảm.


Tuấn Kiệt (trái) giả gái trong Đấu trường tiếu lâm và Đon Nguyễn giả gái trong Cười xuyên Việt

Hàng loạt nam thí sinh, nam ca sĩ trẻ đua nhau hóa thân thành phụ nữ, bất chấp hình thức, vẻ bên ngoài sau khi hóa trang xong có hợp lý, hợp nhãn người xem, có tạo được cái duyên sân khấu hay không.

Về phía ban giám khảo của các gameshow truyền hình, huấn luyện viên của các thí sinh, nhiều người cũng thể hiện sự đồng tình, khuyến khích, khen ngợi thí sinh với hình ảnh giả gái, hóa trang, đổi giọng thành ca sĩ nữ. Đến nay, dõi theo các kênh truyền hình, tần suất thí sinh giả gái lòe loẹt, lố bịch ngày một xuất hiện dày đặc.

Việc chạy theo xu hướng giả gái dễ dãi của các chương trình truyền hình, gameshow trong suốt thời gian qua có phần do các nhà đài muốn níu kéo một lượng khán giả màn ảnh nhỏ để chương trình thu hút được sự “tài trợ” và hợp tác của các doanh nghiệp quảng cáo trên sóng. Tuy nhiên, sau vài phút mua vui cho khán giả thì nhiều tiết mục nhanh chóng rơi vào quên lãng, không tạo được giá trị thực về chất lượng nghệ thuật, tư tưởng thẩm mỹ, định hướng quan điểm cuộc sống cho người xem và còn gây tiếng xấu trong dư luận.

Không chỉ vậy, khi tham gia các cuộc thi trên truyền hình, chạy theo tiêu chí của gameshow, nhiều giọng ca trẻ, bạn trẻ mới chập chững đi vào con đường ca hát đã cố gắng bắt chước, giả giọng sao cho thật giống các ca sĩ, nghệ sĩ đã nổi tiếng. Ai hát và hóa trang càng giống càng được điểm cao, ban giám khảo và huấn luyện viên khen ngợi, khán giả bình chọn, tung hê. Dù rằng, ai cũng hiểu đây là sân chơi mang tính giải trí, nhưng không ít giọng ca trẻ đã tự bủa vây tinh thần của chính mình bằng những kỳ vọng vào sự tỏa sáng thật nhanh trên con đường nghệ thuật.

Tư tưởng này hiện đang dẫn dắt không ít bạn trẻ dấn thân tham gia vào nhiều gameshow với mong muốn được đổi đời. Tuy nhiên, trong thực tế, tất cả những gì giả tạo đều không thể đạt được chất lượng cao, khó trụ vững giữa thời buổi thị trường nghệ thuật có nhiều đòi hỏi khắt khe.

Người làm nghệ thuật, nếu không có bản lĩnh, tố chất, kỹ năng, thực tài thì chẳng mấy chốc sẽ nhanh chóng bị đào thải. Các chiêu trò của các chương trình truyền hình, diễn tới lui mãi chuyện giả gái, giả giọng… rồi cũng dần nhàm chán. Và suy cho cùng, bản thân các chương trình truyền hình nặng tính giải trí này thường xuyên không đáp ứng được tiêu chí định hướng công chúng, định hướng xã hội, nhàn nhạt về nội dung, thiếu hẳn tính nghệ thuật, thẩm mỹ… điều này ít nhiều đang ảnh hưởng đến uy tín các nhà đài.

Và, điều quan trọng hơn chính sự dễ dãi trong việc tổ chức, xây dựng và phát sóng các chương trình truyền hình thực tế, gameshow “ăn xổi ở thì” đã và đang góp phần định hướng xấu quan điểm, tư tưởng sống và nhận thức lệch lạc về giới tính của nhiều bạn trẻ. Từ đây, phải chăng đã đến lúc cần có một sự kiểm duyệt gắt gao hơn những chương trình truyền hình thực tế, gameshow, đang phát sóng hàng ngày trên các kênh, để làm sao các đài tự điều chỉnh, xây dựng thêm các chương trình chất lượng; hạn chế và giảm dần các chương trình yếu kém, góp phần làm tốt trách nhiệm của đơn vị tuyên truyền văn hóa xã hội, phục vụ tốt hơn cho người dân.

BẢO LÂM/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn