Cái thiệp cưới

Cập nhật ngày: 28/09/2018 09:07:32

So với ngày trước, cái thiệp cưới bây giờ phong phú hơn về mẫu mã (có hàng trăm mẫu khác nhau), giấy in tốt, nhiều màu, trang trí bắt mắt, nhiều kiểu chữ khác nhau, chữ nghĩa dùng hiện đại hơn, không còn “Chúc cho hai trẻ loan phụng hòa minh, sắc cầm hảo hiệp” như xưa.

Tuy vậy, Tư tôi vẫn có mấy lấn cấn. Trước hết là chữ song hỷ của Trung Quốc đã thành thông dụng, thành biểu tượng của lễ cưới. Trang trí trong phòng khách và cả trên bao bì, trên thiệp mời cũng có chữ song hỷ. Nó phổ biến đến độ già trẻ gái trai, nông thôn thành thị, ai nhìn thấy đều biết đó là đám cưới. Thôi thì ta không có gì thay thế cũng phải mặc nhận.

Cái lấn cấn thứ hai là trên bao bì và cả trong tấm thiệp mời có dòng chữ tiếng Anh. Chỗ thì “WEDDING”, chỗ thì “THE WEDDING”. Tư tôi chỉ biết chữ “Em” nên dốt trất cái chữ Anh nầy, không biết nó có nghĩa gì, cách đọc ra sao và càng không biết người ta in chữ nầy để làm gì. Vì tiếng Việt ta thiếu nên phải dùng đến chữ nước ngoài, vì hầu hết dân ta rành rọt tiếng Anh nên phải dùng, hay tại cái bệnh sính ngoại, dùng cho nó oai?! Mong được các vị học cao hiểu rộng cắt nghĩa cho Tư tôi thông.

Cái lấn cấn nữa, là phải trên trang báo tin có in tên họ, địa chỉ của hai chủ hôn, bắt đầu từ hai chữ Ông, Bà. Danh xưng nầy do chủ hôn tự đặt để cho mình cái vị trí Ông Bà để mời khách. Tất nhiên có nhiều khách lớn tuổi hơn chủ hôn, là ông bà, chú bác, cô dì hay anh chị. Vậy tự xưng mình là Ông Bà có hỗn lắm không? Tư tôi nghĩ bớt hai chữ Ông Bà, chỉ ghi tên và địa chỉ là được. Ví dụ: Lê Văn B – Huỳnh Thị G – xã A, huyện X, tỉnh Đ là đầy đủ. Bớt hai chữ Ông Bà nghe khiêm tốn hơn.

Cái gốc xuất phát ra những hiện tượng trên, theo Tư tôi nghĩ là từ những người thiết kế mẫu mã và nơi sản xuất, chứ thật sự người đi đặt in thiệp ít chú ý đến những điểm nầy. Vì vậy, quản lý ngành văn hóa để mắt tới, chịu khó đến trao đổi với những nơi tạo ra mẫu mã và phát hành các loại thiệp cưới nầy.

Những chuyện nói trên có người cho là lặt vặt, song Tư tôi nghĩ nó góp phần làm trong sáng hơn tiếng Việt yêu quý của chúng ta.

TƯ RÈN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn