Bộ sưu tập hiện vật vàng văn hóa Óc Eo - Gò Tháp đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Cập nhật ngày: 02/07/2014 05:29:34

Như Báo Đồng Tháp đã đưa tin, vừa qua UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ sưu tập 49 hiện vật vàng văn hóa Óc Eo - Gò Tháp” là bảo vật quốc gia đợt 3, năm 2014 hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp.


Sưu tập vàng trang sức

Bộ sưu tập 49 hiện vật vàng văn hóa Óc Eo - Gò Tháp có hình chữ nhật, tứ giác, hình bình hành, hình tròn, hình chữ D, kích thước dài từ 1,5cm - 6,2cm; rộng từ 1,0cm - 2,8cm, trọng lượng 16 chỉ 8 phân 0 ly 51. Trên mặt mỗi lá vàng có chạm khắc hoa văn, Thần Vishnu, hoa sen, thảo mộc, linh thú và động vật như: bò thần Nandin, Lợn Vahara, rắn Shesha...

Ngoài những mảnh vàng chạm khắc hoa văn, bộ sưu tập còn có nhóm hiện vật vàng trang sức gồm 4 chiếc nhẫn, 1 khuyên tai và 1 sợi dây vàng. Trong 4 chiếc nhẫn, có 3 chiếc là loại nhẫn tròn đều, đặc, không trang trí hoa văn; 1 chiếc nhẫn có vòng nhẫn tròn, đặc, thuôn nhỏ dần về phần đối diện mặt nhẫn, đặc biệt trên mặt nhẫn ở khoảng giữa khắc chìm hình con ốc, xung quanh bên ngoài có hình dây lá cách điệu. Chiếc khuyên tai bằng vàng có chốt bấm, hình tròn dẹt, không đều, thuôn nhỏ dần về phía chốt bấm, mặt vành trơn, có đường lõm, không trang trí hoa văn. Sợi dây vàng dài 11,7cm, được làm từ các khoen hình số 8 ghép lại, cách thức làm giống như các dây chuyền vàng hiện nay.

Đa số những hiện vật vàng của Óc Eo đều được phát hiện trong lòng đất, chủ yếu tập trung ở di chỉ mộ táng và di chỉ kiến trúc tại di tích quốc gia đặt biệt Gò Tháp. Đây là bộ sưu tập hiện vật được khai quật vào các năm 1984, 1993, 2009, 2010, 2013, là bộ sưu tập có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc vàng của Văn hóa Óc Eo (một nền văn hóa cổ, trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên, phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu). Dựa vào những di vật đầu tiên mà Louis Malleret(người Pháp) khai quật được tại gò Óc Eo (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) năm 1944, và dựa vào những di vật sưu tập được ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu... của các nhà khảo cổ.

Căn cứ vào đặc điểm cuả hiện vật, nghệ thuật điêu khắc, căn cứ vào tài liệu cổ văn tự trên các tấm bia đá, sử liệu ghi chép về quốc gia cổ Phù Nam và nhất là vào kết quả các mẫu niên đại C14 của các di tích khảo cổ, các nhà khảo cổ đã định niên đại cho nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII (sau công nguyên). Đây là một địa danh gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm, trong một thời kỳ phát triển rực rỡ ở đồng bằng sông Cửu Long.

ĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn