Quyết tâm tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013

Cập nhật ngày: 27/05/2013 04:08:37

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ chính thức diễn ra vào đầu tháng 6/2013. Để hiểu thêm về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Tiến sĩ Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

* Phóng viên (PV): Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tiến hành ra sao? Chỉ tiêu toàn ngành đặt ra cho kỳ thi này?

Ông Hồ Văn Thống (H.V.T): Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được Sở tập trung chỉ đạo thực hiện theo tinh thần Công văn 337/KTKĐCLGD - KT ngày 10/4/2013 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, toàn tỉnh có 28 hội đồng thi, trong đó 14 hội đồng coi thi có thí sinh (TS) hệ GDTX, tổng số 12.521 TS đăng ký dự thi (11.440 TS hệ THPT và 1.081 TS hệ GDTX).

Qua rà soát, cơ sở vật chất của các điểm trường nơi đặt các Hội đồng coi thi, chấm thi và địa điểm làm việc của Hội đồng in sao đề thi đảm bảo yêu cầu theo quy định của Quy chế thi. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) và bộ phận phục vụ làm công tác coi thi, chấm thi đã được Sở rà soát, điều động đúng số lượng, được tập huấn nghiệp vụ thi và đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của quy chế.

Về chỉ tiêu thi đỗ tốt nghiệp THPT năm nay, Đồng Tháp phấn đấu duy trì tương đương với năm 2012 nhưng không giao chỉ tiêu cụ thể cho từng trường vì làm như thế sẽ gây áp lực không đáng có lên GV và học sinh (HS) đồng thời, bệnh thành tích sẽ có nguy cơ tái diễn.

P.V: Được biết, ngay từ đầu năm học 2012-2013, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đã được toàn ngành triển khai thực hiện. Trong đó, có việc các trường đã phân loại học lực HS để bồi dưỡng hệ thống kiến thức sớm cho các em. Ông có thể cho biết thêm hiệu quả của giải pháp này?

Ông H.V.T: Việc phân loại HS theo nhóm, theo khả năng tiếp thu và vận dụng kiến thức, kỹ năng của các em để GV thực hiện dạy học theo hướng phân hóa, cá thể hóa người học là một trong những cách làm để nâng cao hiệu quả của đổi mới phương pháp dạy học. Ngành giáo dục Đồng Tháp không chỉ thực hiện việc này ở lớp cuối cấp THPT để các em thi tốt nghiệp mà đã chỉ đạo triển khai ở tất cả các cấp học phổ thông theo mức độ phù hợp. Việc phân loại như trên căn cứ vào kết quả học tập của các em năm trước và kết quả khảo sát chất lượng đầu năm.

Nếu nhà trường xử lý tốt việc phân loại HS thì GV sẽ thuận lợi hơn trong việc bồi dưỡng, hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng cho HS. Hiệu quả trước mắt của biện pháp này đó là các trường phát hiện chính xác đối tượng HS cần bồi dưỡng và nội dung cần bồi dưỡng cho các em, để từ đó nhà trường xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác bồi dưỡng khả thi, đồng thời hạn chế và tiến tới dứt điểm tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”.

P.V: Vừa qua, Sở GDĐT cũng đã thành lập các đoàn đến các đơn vị trường kiểm tra, thanh tra công tác ôn tập thi. Qua kiểm tra, ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị?

Ông H.V.T: Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sở GDĐT đã tổ chức kiểm tra tại các trường về các công việc có liên quan: kết thúc chương trình học, kiểm tra, đánh giá, chuẩn bị hồ sơ dự thi và việc ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho HS. Qua kiểm tra, thấy rằng tất cả các trường đã thực hiện tốt các công việc chuẩn bị cho kỳ thi. Riêng đối với việc ôn tập cho HS, các trường đều xây dựng kế hoạch, hệ thống hóa kiến thức và kỹ năng cơ bản cho các em. Đặc biệt, qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào ôn tập cho HS theo hình thức “đoán đề, học tủ”.


Quan điểm ra đề của Bộ GDĐT là kiểm tra bao quát các kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của HS, do vậy Sở cũng chỉ đạo các trường ôn tập, rèn luyện cho các em theo hướng này.

P.V: Năm nay, theo Thông tư số 04/2013/TT-BGDĐT, TS được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp, nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Điều này có ảnh hưởng gì đến công tác coi thi? Ông có lời khuyên gì gửi đến HS trong kỳ thi sắp tới?

Ông H.V.T: Đây là một trong những biện pháp để tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc tổ chức các kỳ thi. Đây là quan điểm đúng nhưng khi vận dụng vào thực tế thì cũng có những khó khăn nhất định. Trong giai đoạn khoa học kỹ thuật phát triển mạnh như hiện nay, các phương tiện kỹ thuật có công nghệ cao rất nhiều và không phải người nào cũng có thể biết đầy đủ các tính năng, kỹ thuật của nó nếu không có chuyên môn sâu.

Các GV làm công tác coi thi cũng có khá nhiều thầy, cô chưa biết sâu về các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác; nên gặp khó khăn khi phải nhận diện và xử lý các trường hợp TS cố tình mang các loại máy móc, thiết bị không được phép vào phòng thi.

Để giải quyết khó khăn này, Sở GDĐT chỉ đạo CB, GV làm công tác coi thi phối hợp với các lực lượng bảo vệ, phục vụ thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ theo quy định của Quy chế thi, tuyệt đối không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong phòng thi. Làm được điều này thì chúng ta đã “vô hiệu hóa” các phương tiện, máy móc đó.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị các em HS hãy bình tĩnh, tự tin, ôn tập đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cơ bản của các môn thi để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi chứ không nên bị phân tâm vì các lý do khác.

P.V: Xin cám ơn ông!

C.Phương
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn