Ngành tư pháp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Cập nhật ngày: 23/09/2020 10:59:56

Thực hiện Chương trình công tác tư pháp năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt và nhiệm vụ do Bộ Tư pháp giao, Sở Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực nhằm đa dạng hóa các hình thức và từng bước nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Cụ thể là tăng cường ký kết Kế hoạch liên tịch với các sở, ngành như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận để tăng cường nguồn nhân lực, tạo thêm kênh tuyên truyền, từng bước đưa kiến thức pháp luật đến người dân một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả hơn.


Sở Tư pháp ký Kế hoạch phối hợp với các ngành

Để phát huy sức mạnh của cộng đồng cùng tham gia thực hiện công tác PBGDPL, các địa phương đã phát triển những mô hình PBGDPL mới tại cơ sở, cộng đồng dân cư, do người dân có tâm huyết với công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở có trình độ chuyên môn về luật và các hòa giải viên tự nguyện thành lập. Đó là mô hình “Điểm tư vấn pháp luật miễn phí” và mô hình “Quán cà phê pháp luật” hay các “Tổ tư vấn pháp luật”. Qua đó, tạo nên nét mới trong công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Nhờ sự chủ động phối hợp qua hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã phổ biến các câu chuyện truyền thanh, những tài liệu hỏi – đáp pháp luật, từ đó công tác PBGDPL được đẩy mạnh hướng về cơ sở, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương.

Hình thức tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện thường xuyên hàng tháng như: Chuyên mục PBGDPL và Chương trình “Tư vấn pháp luật” trực tiếp trên sóng truyền hình. Qua hình thức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghe, nhìn tiếp cận thông tin pháp luật mà không phải mất thời gian đi lại và được rất nhiều người dân quan tâm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được duy trì mỗi tháng 2 kỳ chuyên mục “Thông tin hoạt động nội bộ” trên Trang thông tin điện tử và thường xuyên đăng tin bài tuyên truyền pháp luật trên Trang Facebook của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp; PBGDPL qua Bản tin Tư pháp được phát hành mỗi quý 1 kỳ. Đó là những kênh tuyên truyền, PBGDPL nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp các cấp, đặc biệt là tuyên truyền viên và hòa giải viên ở cơ sở.

Việc trang bị tài liệu tuyên truyền cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên như biên soạn, in và phân phối các loại tờ gấp hỏi – đáp pháp luật như: pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống ma túy, mại dâm; an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, pháp luật về đất đai, an ninh mạng, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực y tế, tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19... Với hình thức biên soạn cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ, các tờ gấp sẽ chuyển tải thông tin cần thiết đến với đoàn viên, hội viên và người dân. Điểm mạnh của hình thức tuyên truyền này là vừa tuyên truyền trực tiếp cho người dân tham dự tuyên truyền có thể đọc, hiểu hoặc thông qua họ có thể mang tờ gấp về nhà để tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè hay sử dụng tài liệu này để tuyên truyền trên các trạm truyền thanh ở địa phương, từ đó nội dung tuyên truyền có thể lan tỏa đến nhiều người.

Việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến, thi viết, thi sân khấu hóa tìm hiểu về kiến thức pháp luật được duy trì. Đây là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống và mở rộng được phạm vi đối tượng tuyên truyền (bao gồm cả người dự thi và người theo dõi cuộc thi).


Các diễn giả tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng Truyền hình

Hình thức PBGDPL được đa dạng hóa, lồng ghép qua các buổi sinh hoạt của các Hội quán, Câu lạc bộ pháp luật và Câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh cũng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Không chỉ đơn thuần là lồng ghép tuyên truyền pháp luật trực tiếp mà các địa phương đã sáng tạo đưa những nội dung quy định của pháp luật xây dựng thành các tiểu phẩm, chập cải lương, ca kịch để vừa biểu diễn mang tính nghệ thuật vừa chuyển tải những thông điệp, nội dung cơ bản của quy định pháp luật đến với người dân. Từ cách làm này đã tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút sự chú ý tìm hiểu và dễ nhớ, dễ đi vào lòng người dân.

Từ những kết quả tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, phong trào tìm hiểu pháp luật được lan tỏa trong nhà trường, cơ quan, các tổ chức hội, đoàn thể và Nhân dân, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại và giảm tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương.

Theo bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp, để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã chủ động đề ra các giải pháp thực hiện, tăng cường ký Kế hoạch liên tịch với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ngành, hội, đoàn thể tỉnh... Song song đó, Sở Tư pháp phối hợp với các ngành thường xuyên đôn đốc và kiểm tra tiến độ thực hiện, bám sát nhiệm vụ được UBND tỉnh, Bộ Tư pháp giao và đề ra các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, thời gian và hiệu quả.


Sở Tư pháp và Hội Luật gia họp bàn thống nhất thực hiện Chương trình phối hợp

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp tổng kết các kế hoạch liên tịch với các ngành, đánh giá những hình thức PBGDPL trong thời gian qua, xác định hình thức nào mang lại hiệu quả cao để nhân rộng, hình thức nào không còn phù hợp để thay đổi. Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác PBGDPL để tìm ra những giải pháp hay, cách làm mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, nhất là qua mạng zalo, facebook, trang thông tin điện tử, chuyển thể tài liệu tuyên truyền pháp luật qua câu chuyện truyền thanh, truyền hình để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

HT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn