Thủ tướng phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Cập nhật ngày: 10/10/2019 05:19:56

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước; góp phần tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Đồng thời, mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Chương trình. Đơn vị chủ trì thực hiện đề án là các bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các đề án thuộc Chương trình.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng định hướng, nội dung Chương trình theo đúng chức năng, thẩm quyền, đảm bảo phù hợp giữa mục tiêu và nội dung của Chương trình với các điều kiện thực tế của ngành, địa phương; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và đơn vị liên quan thực hiện; trực tiếp xây dựng, thực hiện các đề án thuộc Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực phục vụ hoạt động của Chương trình; chủ trì, hướng dẫn, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình.

PV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn