Tăng trưởng GDP chín tháng vượt chỉ tiêu đạt 6,98%

Cập nhật ngày: 22/10/2018 19:41:37

Trong phiên họp sáng 22/10, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, nổi bật nhất là kết quả tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm 2018 đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%.

Nội dung báo cáo tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển các ngành, lĩnh vực trong năm 2019.

Kinh tế chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó có tám chỉ tiêu vượt và bốn chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Kết quả kinh tế - xã hội năm 2018 thể hiện ở các điểm sau: Sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài chính và các chính sách vĩ mô của Chính phủ, qua đó giữ vững thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GDP duy trì đà tăng khá, mặc dù năm 2017 đã đạt mức tăng ấn tượng, ước cả năm GDP tăng khoảng 6,7%, đạt mục tiêu của Nghị quyết số 01/NQ-CP và đạt mức cao mục tiêu Quốc hội giao. Báo cáo của Chính phủ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm tiếp tục kiềm chế dưới 4%, là năm thứ ba liên tiếp kiểm soát được CPI dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu chin tháng đạt hơn 352 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% so với mục tiêu tăng từ 7-8%, tiếp tục xuất siêu, cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất thô, tăng tỷ trọng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so với năm 2017. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đạt được nhiều kết quả rõ nét nhờ những nỗ lực về cải cách thể chế, cải cách hành chính của Chính phủ. Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Báo cáo cũng cho biết, tín dụng chín tháng tăng 10,41%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát chặt chẽ, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục hơn 60 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước đạt 34%, tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm, ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (38,3%).

Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch tích cực hơn: tỷ trong khu vực nông nghiệp giảm mạnh từ 174% năm 2015 xuống 14,8% năm 2018, tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 82,6 lên 85,2%. Tăng trưởng nông nghiệp chín tháng đạt 3,65%, cao nhất kể từ năm 2012, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi đạt năng suất, hiệu quả cao…

Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt hơn 5,5 trệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp hơn 1,3 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền kinh tế cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, như sức ép lạm phát, tính tự chủ của nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, một số công trình chậm tiến độ, chất lượng kém, năng lực cạnh tranh trong xếp hạng toàn cầu giảm, năng suất lao động còn thấp, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành thấp, việc lâp, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, gian lận thương mại, buôn lậu còn nhiều diễn biến phức tạp…

Về xã hội, báo cáo của Chính phủ cho biết, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có chuyển biến; từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy được nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế; dần chuyển từ bị động sang chủ động giải quyết các vấn đề về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là trong quan hệ đối ngoại song phương; tranh thủ quan hệ chính trị - ngoại giao tốt với các đối tác để phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển của quốc gia.

Tám giải pháp cho năm 2019

Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2019 là từ 6,6-6,8%.

Cùng với đó, là chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, mục tiêu về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Đối với năm 2019, báo cáo của Chính phủ cũng đề ra tám nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện, bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược.

Thứ ba, tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thứ tư, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ năm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ bảy, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ tám, làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.

Theo NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn