Nở rộ phong trào xây dựng “Cánh đồng vàng”

Cập nhật ngày: 01/09/2012 09:53:36

Chỉ qua 3 mùa vụ, “Cánh đồng mẫu lớn” đã dần được hiện thực hóa bằng một phong trào rộng khắp trên cả nước. Đã có những cánh đồng thực sự trở thành hình mẫu của một nền nông nghiệp mới, hiện đại hơn...

Cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp

Thực tế, "Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) đã manh nha từ trước khi Bộ NNPTNT phát động vào tháng 3.2011, với những tên gọi khác nhau. Theo ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mô hình này xuất phát từ nhiều điểm trình diễn của hầu hết các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quy mô ban đầu từ vài ha đến vài chục ha.


Từ những cánh đồng mẫu lớn đã làm nở rộ phong trào liên kết “4 nhà”

Tại Long An, Chương trình lúa chất lượng cao được triển khai vụ đông xuân 2010-2011 với quy mô 1.000ha ở các huyện: Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa; trong đó Doanh nghiệp tư nhân Phú Thông đầu tư ứng trước phân bón, cuối vụ thu hồi.

Mô hình Cánh đồng hiện đại được triển khai tại Đồng Tháp ngay từ năm 2008 ở HTX Thắng Lợi (huyện Tháp Mười). Đến năm 2011, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 10 mô hình này với diện tích 1.519ha, có sự tham gia của gần 1.200 hộ.

Đặc biệt tại An Giang, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô 1.000ha ở các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Tịnh Biên. Thực sự những mô hình ở An Giang thực sự đã làm nở rộ phong trào liên kết “4 nhà” ở thủ phủ lúa gạo ĐBSCL.

Theo ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang, nhằm kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã có chủ trương liên kết “4 nhà” từ năm 2000 với nhiều mô hình như liên kết sản xuất lúa Nhật, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu của Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (ANGIMEX), mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mô hình liên kết của Công ty cổ phần BVTV An Giang, mô hình CĐML ở xã Vĩnh Hanh (Châu Thành).

Ông Phả cho rằng: “Các mô hình liên kết sản xuất lúa ở An Giang đã được thực hiện liên kết dọc theo chuỗi giá trị (nông dân, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp), sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm”.

Hiện nay, có nhiều công ty đăng ký với Sở NNPTNT An Giang tham gia xây dựng CĐML, chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư xây dựng cụm kho sấy, xay xát và có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm. Dự kiến năm 2013, có ít nhất 6 doanh nghiệp tham gia phát triển CĐML và diện tích sản xuất theo hợp đồng có thể trên 20.000ha (hiện khoảng 8.500ha).

Từ những điển hình ở ĐBSCL, phong trào xây dựng “CĐML” đã được triển khai ra các tỉnh phía Bắc và bước đầu “bén rễ”. Mặc dù, quá trình dồn điền đổi thửa ở một số địa phương vẫn còn đang tiếp tục, nhưng những cánh đồng mẫu hàng trăm ha đã xuất hiện ở nhiều nơi như: Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình và Nam Định.

Theo ông Đỗ Hải Điền - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Nam Định), việc triển khai CĐML đã được sự đồng thuận cao của chính quyền các địa phương và nông dân. Trong quá trình thực hiện, Sở NNPTNT đã lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ các mô hình; một số huyện có chính sách mua công cụ sạ hàng và hỗ trợ kinh phí cho xã xây dựng mô hình…

Vẫn là bài toán liên kết nông dân - doanh nghiệp

Theo ông Phạm Đồng Quảng, tính đến vụ hè thu, vụ mùa 2012, diện tích sản xuất lúa trong mô hình CĐML của cả nước ước đạt trên 30.000ha, trong đó các tỉnh phía Nam khoảng 26.000ha. Trong bối cảnh các địa phương đang tập trung xây dựng nông thôn mới, tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, thì quá trình triển khai xây dựng CĐML đang khá thuận lợi.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Quảng, vẫn còn nhiều những khó khăn vướng mắc. Phần lớn nông dân có diện tích trồng lúa nhỏ (đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc), nông dân chưa tiếp cận được nhiều quy trình sản xuất lúa VietGAP, sản xuất lúa không có kế hoạch mà thường theo tập quán, thị hiếu người tiêu dùng nên khả năng đáp ứng việc xuất khẩu gạo lớn gặp khó khăn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, gây ảnh hưởng đến chuỗi giá trị hàng hóa của hệ thống sản xuất lúa gạo. Mối liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ, còn thiếu doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí, còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “bỏ rơi” CĐML như ở ĐBSCL.

Việc phát triển CĐML cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thu mua lúa có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công mô hình. Thực tế, hiện việc triển khai mô hình ở các địa phương đều cần có sự tổ chức thu mua của các doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo. Nếu các doanh nghiệp thu mua vì lý do nào đó không tham gia, việc triển khai mô hình ngay lập tức sẽ gặp nhiều khó khăn.

TS Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: “Cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệp xây dựng CĐML của các nước trên thế giới để làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong đó, để liên kết nông dân- doanh nghiệp có hiệu quả, cần tạo được mối quan hệ có lợi có đôi bên, chia sẻ, chuyển giao kiến thức, các bên hiểu đúng và thực hiện tốt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho nông dân dưới nhiều dạng khác nhau để giúp nông dân sản xuất…”.

ĐH (Theo Hữu Thông-danviet)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn