Niềm vui chưa trọn vẹn

Cập nhật ngày: 17/12/2018 07:43:07

Đêm 15/12, sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2018, niềm vui chiến thắng sau 10 năm chờ đợi của hàng triệu người hâm mộ nước nhà đã vỡ òa. Việc người hâm mộ cùng chung niềm phấn khích xuống đường mừng chiến thắng là nhu cầu chính đáng. Nhưng không ít người lại thể hiện sự vui mừng với những hành động quá khích, thiếu văn hóa, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xô xát, gây mất trật tự, an toàn xã hội, không chỉ nguy hiểm đến tính mạng bản thân mà cả những người chung quanh...

Bên cạnh sự cổ vũ cuồng nhiệt, niềm đam mê và tình yêu bóng đá, chúng ta đã phải chứng kiến hàng trăm cách cổ vũ không giống ai, thậm chí cả những kiểu ăn mừng "kinh dị", gây bức xúc cho những người chung quanh. Nhiều thanh niên tụ tập đốt pháo sáng nơi công cộng, đốt luôn xe máy, một số người đem cả xe tang đi cổ vũ… Do quá khích, nhiều cổ động viên đã gây xích mích, ẩu đả dẫn đến thương tích; một số đối tượng còn cởi quần áo giữa đường rồi dùng điện thoại để phát trực tiếp trên facebook rất lố bịch.

Những hành động quá khích như đua xe, hò hét xuyên đêm, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác, xả rác bừa bãi khiến các công nhân vệ sinh môi trường làm cật lực suốt đêm vẫn không hết việc, tụ tập, đứng ngồi la liệt giữa lòng đường, ngã tư bất chấp tín hiệu giao thông… chính là những hành động thiếu văn hóa, là hành vi thiếu trách nhiệm công dân. Nhiều hình ảnh xấu xí khác của người hâm mộ Việt Nam lan truyền trên mạng xã hội. Giữa dòng người chen chúc, khá nhiều xe ô-tô vặn nhạc hết cỡ bất chấp người đi đường bị hành hạ bởi âm thanh chát chúa từ loa thùng đặt trên xe. Rồi cảnh vài chục người đánh đu vào hai chiếc xe công nông, hò reo, rồi quăng, ném ra đường nhiều rác thải và dụng cụ để cổ vũ...

Theo thống kê ban đầu, đã có hơn 30 người chết trong lúc "đi bão", hàng trăm người bị thương phải nhập viện. Cổ vũ theo kiểu quá khích, để lại hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội cần phải được lên án.

Hẳn nhiều người còn nhớ, tại Word Cup 2018 vào tháng 6 vừa qua, người hâm mộ đã hết sức ngợi khen hành động đẹp của các cổ động viên Nhật Bản khi đội tuyển Nhật Bản thắng đội tuyển Cô-lôm-bi-a với tỷ số 2-1, tạo nên kỳ tích cho châu Á. Trên đường phố Tô-ki-ô, các cổ động viên đã xếp hàng trật tự, có cảnh sát dẫn đường, căng dây và chỉ đi trong một khu vực giới hạn để không làm ảnh hưởng giao thông. Sau mỗi trận đấu, dù đội nhà giành chiến thắng hay thất bại, họ vẫn ở lại trên khán đài và thu gom hết toàn bộ rác thải để trả lại khán đài sạch sẽ.

Không ai ngăn cảm xúc, không lực lượng chức năng nào cản trở người hâm mộ bày tỏ niềm vui trước chiến thắng của đội nhà đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Nhưng văn hóa đám đông, văn hóa cổ vũ nếu không được kiềm chế và kiểm soát sẽ rất dễ dẫn đến thứ "văn hóa bầy đàn", gây hệ lụy xấu cho cộng đồng và xã hội.

Bày tỏ cảm xúc cá nhân trước các sự kiện, luôn cần có sự văn minh và phải ý thức được trách nhiệm công dân, trách nhiệm với cộng đồng trong các hành động của mình. Niềm vui, sự phấn khích phải biết điểm dừng, tránh quá đà, quá trớn và tuân thủ theo quy định pháp luật. Việc bất chấp, mặc kệ sự bình yên của người khác chính là lối sống ích kỷ, biểu hiện một tầm nhìn, ứng xử cộng đồng sai lệch. Ý thức được điều đó để có hành vi phù hợp mới là cách cổ vũ, ăn mừng có trách nhiệm. Như thế, niềm vui chiến thắng mới trọn vẹn.

Ðông Tùng (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn