Hàng tỷ USD khám chữa bệnh chảy ra nước ngoài - Bài toán đang… giải

Cập nhật ngày: 26/01/2016 09:34:17

Lại thêm một lần nữa các chuyên gia y tế trong nước và cả nước ngoài bơi xới câu chuyện vốn đã cũ - người bệnh Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh. Dù cũ nhưng câu chuyện luôn mới, bởi số tiền “chảy” ra nước ngoài được tính toán sơ bộ không hề nhỏ - khoảng 2 tỷ USD/năm. Trong khi những năm qua, y học trong nước đã phát triển đáng kể, chất lượng điều trị nâng cao lên thấy rõ, nhưng vì sao một bộ phận người dân vẫn “sính” ngoại. Đã đến lúc cần có hành động để người bệnh trong nước nhìn nhận đúng năng lực của nền y học nước nhà.

Có tiền thì… xuất ngoại

Đã được xuất viện về nước tiếp tục điều trị từ 2 tuần nay nhưng chị Nguyễn Ngọc H. (ngụ quận 7, TPHCM) vẫn chưa thôi tấm tắc: “Đúng là Singapore có khác. Bệnh nhân vô là ngon lành từ tiếp đón, chỗ ăn, chỗ nằm cho đến hậu phẫu”. Dù vậy, ngẫm lại bệnh u xơ tử cung của chị H. cũng chẳng mấy nan y, nhưng chị vẫn bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để đi nước ngoài điều trị. “Mất cả trăm triệu đồng cũng đáng đồng tiền bát gạo”, chị H. vẫn còn ấn tượng vì căn bệnh đã được điều trị cộng với những gì được chăm sóc chu đáo…


Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhân

Câu chuyện chị H. không hề hiếm đối với nhiều người bệnh có tiền hiện nay ở nước ta. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng người bệnh ra nước ngoài điều trị cũng một phần do sự “nở rộ” tiếp thị của các bệnh viện. Dù nằm trong “tứ chứng nan y”, bệnh ung thư giai đoạn cuối gần như đặt dấu chấm hết cho bệnh nhân nhưng một số bệnh viện ở Trung Quốc, Singapore có văn phòng đại diện tại Việt Nam vẫn “nổ” để “câu” khách: đảm bảo kéo dài cơ hội sống còn, khống chế được khối u bằng các kỹ thuật tân tiến… “Do bệnh viện Việt Nam quá tải, chất lượng dịch vụ điều trị chưa được tốt nên tụi tui san sẻ”,  nhân viên của một văn phòng đại diện bệnh viện của Trung Quốc, thổ lộ. Một đại diện bệnh viện ở Singapore có văn phòng ở TPHCM cũng cho biết, hàng tháng đều có đợt đưa bệnh nhân sang Singapore điều trị và chỉ chọn bệnh nhân có tiềm năng tài chính. Để thu hút bệnh nhân, vị đại diện bật mí là thường cử nhân viên đến các bệnh viện ở TPHCM để nhờ các bác sĩ… sưu tầm và giới thiệu, có hoa hồng hẳn hoi.

Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 40.000 lượt bệnh nhân trong nước ra nước ngoài điều trị và tiêu tốn hết gần 2 tỷ USD. Các nước thu hút nhiều bệnh nhân Việt Nam phải kể đến là Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ… với chi phí khám chữa bệnh cao gấp nhiều lần tại Việt Nam.

Ngành y tế là phục vụ, chào mời nhiệt tình

Trong khi người bệnh trong nước có xu hướng xuất ngoại để chữa bệnh như một trào lưu thời thượng thì vẫn có một lượng bệnh nhân không nhỏ từ các nước bạn âm thầm sang nước ta điều trị. Ghi nhận tại các cơ sở y tế tại TPHCM như Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, BV Chợ Rẫy đã cho thấy điều đó và đang là cơ hội cho ngành y tế nước nhà. Theo lãnh đạo BV Đại học Y Dược TPHCM, mỗi năm ở đây bình quân điều trị ngoại trú cho hơn 20.000 lượt và điều trị nội trú gần 2.000 lượt bệnh nhân nước ngoài, trong đó chủ yếu đến từ Campuchia… Có những trường hợp người nước ngoài bị bệnh hiểm nghèo điều trị ở các nước khác không khỏi nhưng đến Việt Nam điều trị thành công. Tại BV Nhân dân 115, mỗi năm cũng khám, điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân nước ngoài. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV, có cả những trường hợp đã điều trị ở các nước có kỹ thuật y tế tiên tiến nhưng không thành công, song BV Nhân dân 115 điều trị lại hết. Về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), Việt Nam cũng là địa chỉ tin cậy, thu hút lượng bệnh nhân nước ngoài. GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, cho biết người nước ngoài đến Việt Nam điều trị hiếm muộn ngày càng tăng: “Mỗi năm có khoảng 300 bệnh nhân các nước tìm đến Việt Nam làm thủ thuật TTTON và Việt Nam đứng trong tốp đầu thế giới về phương pháp nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm”.

Theo các chuyên gia y tế, trong các năm qua y học trong nước đã phát  triển vượt bậc. Trong đó, kỹ thuật ghép tạng cũng đã ngang ngửa các nước tiên tiến mà vốn dĩ lâu nay người bệnh phải ra nước ngoài điều trị. Vậy tại sao một bộ phận người bệnh vẫn xuất ngoại điều trị với cả tỷ USD chảy ra nước ngoài mỗi năm? Theo đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiều kỹ thuật y khoa ở Việt Nam đã phát triển tương đương và không thua kém khu vực cũng như các nước phát triển như ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế nhìn nhận, “cái thua” cơ bản vẫn là thái độ phục vụ, dịch vụ phục vụ. Trả lời báo giới mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng chiến lược của ngành y tế là đổi mới toàn diện thái độ phục vụ, phong cách phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế. Theo Bộ trưởng Y tế, cơ chế xin - cho lâu nay không còn giá trị nữa mà phải chuyển qua cơ chế phục vụ. “Người dân đi khám chữa bệnh là đi mua dịch vụ y tế, dù là người có bảo hiểm y tế hay người bỏ tiền túi ra. Ngành y tế là người cung cấp dịch vụ, phải biết chào mời nhiệt tình, thu hút một cách tốt nhất”, Bộ trưởng Y tế nhìn nhận.

GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng sự thiếu chuyên nghiệp trong giao tiếp, dịch vụ là một vấn đề nổi cộm của y tế Việt Nam, ngay cả chủ trương, chính sách cũng còn nhiều bất cập! Tình trạng quá tải, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, cơ sở vật chất xuống cấp, trình độ bác sĩ chưa đồng đều… khiến người bệnh có tiền chưa an tâm giao phó tính mạng.

 

TƯỜNG LÂM/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn