Bộ trưởng NN&PTNT “không liên quan” khi nông sản được mùa mất giá?

Cập nhật ngày: 11/06/2015 09:47:15

Phát biểu trước khi nhận các câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, nguyên nhân nông sản như dưa hấu, hành tím… được mùa mất giá chủ yếu là do cung vượt cầu và vướng mắc về thị trường tiêu thụ.

Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội hóa XIII là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Gần 8h30 sáng nay 11/6, trước Quốc hội, ông Phát tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến các nhóm vấn đề như kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tình hình tiêu thụ nông sản, Giải pháp đầu ra cho sản phẩm cao su và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cao su ở Việt Nam…


Bộ trưởng Cao Đức Phát mở màn phiên chất vấn kỳ họp thứ 9

Trước câu hỏi chất vấn về tình hình tiêu thụ nông sản, ông Phát giải thích, việc một số loại nông sản được mùa mất giá xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là sản xuất cung vượt cầu và vướng mắc về thị trường tiêu thụ (năng lực thông quan dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh tháng 4-5/2015; Indonesia dừng nhập khẩu hành tím từ Việt Nam...).

Chỉ ra, nguyên nhân dài hạn, ông Phát cho biết, đó là khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, năng lực chế biến và tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp còn thấp và tổ chức sản xuất còn cắt khúc, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, việc nông sản được mùa mất giá còn có nguyên nhân do khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản còn yếu kém.

Để khắc phục tình trạng trên, hạn chế ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của nông dân, ông Phát đưa ra các giải pháp như theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xử lý kịp thời những khó khăn có tính chất tình huống. Cụ thể là phối hợp thực hiện các giải pháp để tăng khả năng thông quan ở các cửa khẩu với Trung Quốc. Đàm phán với Indonexia để tái xuất khẩu hành tím và phối hợp với các nước sản xuất, xuất khẩu cao su thiên nhiên chính để hạn chế tăng nguồn cung, chống đầu cơ ép giá...); điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình thị trường.

Ngoài ra việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm cơ sở khắc phục các nguyên nhân dài hạn nêu trên.

Trách nhiệm của Bộ trưởng?

Bước sang phần chất vấn, có tới 34 đại biểu nhấn nút đăng ký đặt câu hỏi cho Bộ Trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát. Các câu hỏi chủ yếu tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Phát làm rõ những vấn đề liên quan đến việc được mùa mất giá. Bên cạnh đó, đại biểu muốn làm rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong việc này. 

Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong 10 mặt hàng xuất khẩu nông sản năm nay có 5 mặt hàng mất giá, 5 mặt hàng được giá. “Tôi nghĩ rằng phải bình tĩnh trong mọi tình huống, ví như dưa hấu là khả năng thông quan thấp, còn hành tím ở Sóc Trăng 70% xuất khẩu nhưng khi Indonesia dừng nhập khẩu thì ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng tôi đã sang tận Indonesia, nhưng việc này cần phải có thời gian vì đó là chính sách của nước bạn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Về trách nhiệm của Bộ trưởng khi được mùa mất giá, ông Phát chỉ rõ, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ NN&PTNN hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm với năng suất cao hơn nhưng giá thành không cao. Trong phần trả lời, ông Cao Đức Phát không đề cập đến trách nhiệm cá nhân trong vấn đề được mùa mất giá.

Trước câu hỏi của các đại biểu về vấn đề hỗ trợ phát triển thủy sản, đánh bắt xa bờ, Bộ trưởng Phát cho biết, ngư dân đóng tàu và đánh bắt xa bờ tăng ngày càng mạnh. Đến hết tháng 5/2014, con số đó là 30 nghìn chiếc, mã lực tàu cũng ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, do lượng cá ngay cả khu vực xa bờ cũng hạn chế nên ông Phát cho rằng, ngư dân cũng như nhà nước phải tìm cách phát triển vững chắc.

Ông Cao Đức Phát cho biết nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất. Đến nay, nhà nước đã cho ngư dân vay được 23 tỷ đồng. Với chủ trương nhà nước hỗ trợ vốn cho ngư dân đánh bắt xa bờ như vậy họ sẽ không không phụ thuộc vào thương lái dẫn đến việc không bị ép giá.

Theo Quang Phong - Như Quỳnh/Dân trí

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn