'Tăng trưởng kinh tế quý II khó vượt 5%'

Cập nhật ngày: 04/06/2012 14:40:02

Điều kiện sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn trong tháng 5 là lý do khiến HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam quý II sẽ không quá 5%.


HSBC dự báo tăng trưởng quý 2 của Việt Nam khó vượt 5 %.
Ảnh:
Bloomberg.

Khối nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 6/2012, trong đó nhận định mức tăng trưởng 4,1% của quý I không chỉ thấp nhất trong 3 năm qua, mà còn giảm hơn so với dự kiến và phản ánh tình trạng nền kinh tế quá phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia HSBC dự báo GDP có thể tăng cao hơn trong quý II, nhưng khó vượt 5% vì chỉ số sản xuất kinh doanh (PMI, do chính HSBC công bố trước đây) vẫn giảm trong tháng 5. Và cả năm, tốc độ tăng trưởng dự kiến chỉ khoảng 5,1%, thấp hơn so với kỳ vọng của Việt Nam.

Cũng theo HSBC, sau thập niên đạt tốc độ tăng trên 7% mỗi năm, GDP của Việt Nam đang tăng chậm lại do các biện pháp thắt chặt được áp dụng trong năm 2011 để kiềm chế lạm phát cao. Hệ quả là tín dụng trong năm vừa qua và đầu năm nay sụt giảm do lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo để tiếp cận nguồn vốn vay và nhu cầu tiêu dùng thấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cũng cho rằng một tỷ lệ tăng trưởng cân bằng lúc này là cần thiết để Việt Nam phát triển bền vững hơn trong giai đoạn trung và dài hạn.

Nhóm nghiên cứu HSBC đánh giá cao động thái của Chính phủ khi quan tâm nhiều hơn đến những lĩnh vực kinh tế không hiệu quả và áp dụng nhiều biện pháp cải cách. Nhà băng này tin những nỗ lực cải cách trên, cộng với nhiều biện pháp khác trong tương lai sẽ cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trên những nền tảng thuận lợi của mình.

"Nếu không có những giải pháp trên, Việt Nam sẽ bị rơi vào vòng luẩn quẩn trong đó bao gồm việc tiếp tục bảo trợ cho các hoạt động sản xuất kém hiệu quả, tăng trưởng tín dụng mở rộng và tình hình lạm phát bất ổn", bản báo cáo nhấn mạnh.

Về việc lạm phát tháng 5 đã giảm còn một con số lần đầu tiên trong suốt hai năm qua, nhóm nghiên cứu HSBC lo ngại đây có thể là một chỉ báo cho thấy tăng trưởng kinh tế suy giảm thời gian qua là do sức cầu yếu. Do đó, bình ổn giá đang là vấn đề rất quan trọng để duy trì sức mua của người tiêu dùng cũng như chi phí hoạt động của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà băng này nhìn nhận, nhu cầu tiêu dùng kém đã lan tỏa khắp tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không chỉ dừng lại ở mặt hàng lương thực thực phẩm. Sản xuất công nghiệp cũng như bán lẻ dịch vụ đều giảm tương ứng từ 7,2% và 25,1% vào tháng 4 xuống còn 6,8% và 20% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng kể nhất là trong tháng 5, tiêu dùng cho dịch vụ bán lẻ khách sạn và nhà hàng giảm từ 28,5% xuống còn 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai chỉ số này chứng tỏ nhu cầu tại Việt Nam vẫn còn thấp mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để nới lỏng chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

"Từ nay cho đến cuối năm, chúng tôi hy vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì một con số và tin rằng chỉ số này khó có thể tăng nhanh trong năm sau do nhu cầu vẫn còn khá thấp", nhóm nghiên cứu nhận xét.

Theo Lệ Chi
VnE

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn