Gây nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế

Cập nhật ngày: 01/07/2013 05:30:21

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 503 cơ sở và hộ gia đình gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký với hơn 340.000 cá thể, bao gồm các loài như: cá sấu, trăn, rắn, kỳ đà, rùa, nhím, nai, heo rừng, cầy hương, ba ba, tắc kè, chim trĩ... Trong đó, cá sấu nước ngọt có 289 cơ sở gây nuôi với tổng đàn 57.477 cá thể. Có 1 cơ sở được cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại.


Một hộ nuôi rắn ri voi ở xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh)

Hầu hết các cơ sở gây nuôi có quy mô nhỏ, được đầu tư chuồng trại kiên cố, tách biệt với môi trường chung quanh, có hệ thống thu gom và xử lý đối với chất thải rắn, xử lý sinh học đối với chất thải lỏng, do đó ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và cộng đồng dân cư. Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tiến hành tổng kiểm tra định kỳ về an toàn chuồng trại đối với các cơ sở gây nuôi và kiểm tra đột xuất về biến động số lượng, số loài đang nuôi, vệ sinh môi trường. Đặc biệt vào mùa nước lũ, Chi cục tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cơ sở chậm thực hiện việc đăng ký gây nuôi hoặc xuất bán vật nuôi không khai báo kịp thời. Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm đã lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu cơ sở thực hiện đúng các quy định về gây nuôi ĐVHD và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các cơ sở cố ý không chấp hành. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền các hộ dân ý thức tuân thủ pháp luật đối với việc gây nuôi ĐVHD, bảo đảm an toàn về môi trường, vật nuôi và các công ước quốc tế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện dịch bệnh trên các loài ĐVHD gây nuôi. Bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên một vài cá thể, chủ yếu là các bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn do môi trường và bệnh đường tiêu hóa do thức ăn bị nhiễm bẩn dẫn đến chết cá thể. Tuy nhiên, hầu hết các loài ĐVHD gây nuôi trên địa bàn chưa được thực hiện công tác khảo nghiệm gây nuôi, nên tình trạng bệnh tật và khả năng lây lan sang vật nuôi khác và con người còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Nuôi rắn hổ hèo mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò)

Việc gây nuôi sinh sản ĐVHD là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, đồng thời giảm áp lực lên việc khai thác, săn bắn ĐVHD ngoài tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Để quản lý chặt chẽ việc gây nuôi ĐVHD, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần tiếp tục cấp phát sổ theo dõi khai báo việc xuất, nhập ĐVHD đến từng tổ chức, cá nhân và hộ gia đình; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở nuôi nhằm đảm bảo điều kiện an toàn cho vật nuôi, môi trường và cộng đồng dân cư.

Tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ ĐVHD. Điều tra, đánh giá thực trạng nghề nuôi, chế biến, kinh doanh ĐVHD, tiến hành quy hoạch các vùng nuôi để có các giải pháp kiểm soát và quản lý việc gây nuôi ĐVHD trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế việc gây nuôi theo phong trào tự phát dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, không có thị trường tiêu thụ. Thường xuyên tổ chức kiểm tra và thẩm định điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh; giám sát, quản lý tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các cơ sở áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng bệnh nhằm đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra và lây lan rộng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm ĐVHD vận chuyển lưu thông trong nước...

TP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn