Câu chuyện vốn liếng

Cập nhật ngày: 09/12/2020 09:53:58

Nói nào ngay, muốn mần gì cũng cần phải có vốn liếng, không ít thì nhiều, vốn của mình hay vốn vay mượn hoặc vốn từ nguồn tài trợ. Ở đâu cũng vậy, mà thời nào cũng vậy. Vậy mới có câu vừa đùa vừa thật: “Đầu tiên là tiền đâu”. Vậy vốn liếng là tiền mà tiền đích thị là vốn liếng. Có phải vậy không? Hình như là vậy, mà hình như cũng không hẳn là vậy!.

Ông bà mình tổng kết: “Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”. Cái nhà trống còn đỡ nguy hại hơn “cái đầu” con người trống. “Tôi tư duy, tôi tồn tại”, một nhà khoa học đã khẳng định sức mạnh, vai trò của tư duy và nhận thức. Nhờ tư duy, nhờ nhận thức, con người biết suy tính, xếp đặt cách thức làm ăn, xác định thứ tự ưu tiên các việc cần làm. Tư duy, nhận thức giúp con người lường trước rủi ro, biết đúc kết vì đâu mà “tiền ra khỏi cửa, tiền đẻ; tiền ở trong nhà, tiền chửa”. Tư duy, nhận thức giúp con người cẩn trọng đo lường chi phí, lợi nhuận, biết chắt chiu từng đồng vốn, biết chắt chiu từng cơ hội, không để “lãi mẹ đẻ lãi con”, không khéo cụt vốn, cùng đường. Vậy mới có quyển sách dạy mần ăn mà ngay cái tựa cũng đáng suy ngẫm rồi: “Người nghèo nghèo cái túi. Người giàu giàu cái đầu”. Vậy mới có câu chuyện trao cần câu, chứ đừng cho con cá. Dù là con cá hay cần câu đều là vật chất hữu hình, mà trong mỗi con người đều cần đến những giá trị vô hình, hơn cả vật chất hữu hình.

Tất cả đều xuất phát từ tư duy, nhận thức. Mỗi cách tư duy, nhận thức ứng với mỗi cách thức ứng xử, hành động, đem đến kết quả khác hẳn nhau. Trong nghịch cảnh, thay vì ta thán, bỏ cuộc hay trông chờ, ỷ lại, có những tư duy, nhận thức vẫn luôn vững tin rằng: “mọi việc dù khó khăn đến mấy, vẫn có thể làm được nếu mình có một khối óc biết nghĩ suy, một trái tim biết rung cảm, một tinh thần biết kiên trì, nhẫn nại”. Tư duy, nhận thức tích cực luôn giữ được sự bình tĩnh và kiên định: “thua keo này thì bày keo khác”, “không có cái gì gọi là thất bại mà chỉ là tiến một bước gần đến thành công thôi”. Tư duy, nhận thức lạc quan luôn nghiền ngẫm một triết lý đơn giản: “Không ai giàu ba họ mà cũng không ai khó ba đời” cả. Giàu nghèo là do chính con người, nghị lực của con người, ý chí của con người, khát vọng của con người.

Tất cả đều từ tư duy và nhận thức. Tư duy, nhận thức đúng đắn biết điều chỉnh, tạo dựng và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Quan hệ với những bạn hàng cung cấp nguyên liệu. Quan hệ với những khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng trong tương lai. Quan hệ với đối tác lẫn đối thủ trên tinh thần tôn trọng, hợp tác, liên kết. Quan hệ với những người chung quanh chứ đừng chỉ nghĩ đến mình, biết đến mình, còn những người khác thì mặc kệ họ bị tổn thương về ô nhiễm, mùi hôi, tiếng ồn do mình gây ra. “Buôn có bạn, bán có phường”, có ai lẻ loi, lúi húi một mình mà thành công?

Tất cả đều từ tư duy và nhận thức. Tư duy, nhận thức minh triết tôn trọng chữ tín làm đầu trong sản xuất, kinh doanh, vì giữ trọn chữ tín, trước sau như một đã là định hình cách làm người, trước cách làm ăn, làm ra tiền rồi. Tư duy, nhận thức vì người khác nhất quyết không đánh đổi sự thành công đường dài bằng những lợi ích ngắn ngủi nhỏ nhoi. Đừng vì tiếc đồng lời thiếu chính đáng, hám lợi mà hủy hoại hình ảnh, nhân cách, vì nhân cách con người chính là thương hiệu, là nhân hiệu để đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công. Bây giờ người ta lựa chọn sản phẩm, dịch vụ không chỉ vì giá cả, chất lượng, mà còn bằng cả cảm xúc - cảm xúc của người mua hàng tử tế với người bán hàng tử tế.

Tất cả đều từ tư duy và nhận thức. Tư duy, nhận thức sáng suốt khiến con người luôn giữ thăng bằng trong cuộc sống, lạc quan và mạnh mẽ. Con người mà cứ chìm đắm trong trạng thái bi quan, chán nản, quen đổ lỗi, biện bạch, quy trách nhiệm cho người khác, hoàn cảnh, số phận thì khó mà tập trung tinh thần, sức lực để vươn tới thành công, giàu có. Con người mà luôn xét nét thiệt hơn, tranh giành từng miếng lợi nhỏ thì khó lòng đạt nghiệp lớn. Con người mà cái tâm không trong sáng trong cuộc sống thì cũng sẽ không có cái tâm tử tế trong làm ăn.

Nói những điều như trên không phải để chỉ trích, phê phán mà chỉ muốn nhắn nhủ một điều đối với những ai đang chọn đi trên con đường làm ăn, lập thân, lập nghiệp nhiều khó khăn, thử thách. Đó là phải chuẩn bị cho mình một tâm thế, cập nhật kiến thức, rèn giũa kỹ năng, trước khi cầm nguồn vốn trong tay. Làm ăn thì cũng năm bảy đường làm ăn, nhưng tựu trung lại là phải hiểu được quy luật thị trường với bao nhiêu khó khăn trắc trở. Suy cho cùng chính con người mới là nguồn vốn còn quý hơn cả tiền bạc. Có người đưa ra thứ tự ưu tiên trên con đường dẫn đến thành công là “làm cho ra người”, sau đó đến “làm cho ra việc”, rồi cuối cùng mới đến “làm cho ra tiền”.

Và, nói những điều như trên cũng là muốn gửi gắm đến những cơ quan đơn vị có liên quan đến công tác an sinh xã hội, tư vấn khởi nghiệp, giảm nghèo như: Ngân hàng Chính sách, các Quỹ hỗ trợ vốn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng một điều: “Đã thương thì thương cho trót; đã vót thì vót cho tròn”. Giúp cho những người khác có vốn liếng làm ăn ngoài các thủ tục để đưa đồng vốn đến các đối tượng thụ hưởng thì còn phải giúp cho họ nhiều thứ lắm. Không khéo thì lại mất cả chì lẫn chài!

Nhiều chương trình, dự án, tổ chức hỗ trợ cộng đồng uy tín vẫn thường quan tâm đến việc “nâng cao năng lực” của nhóm đối tượng thụ hưởng, cần được hỗ trợ qua nhiều hoạt động, cách tiếp cận khác nhau, hơn là việc phân bổ vốn liếng, vật chất hỗ trợ đơn thuần. Và câu chuyện “nâng cao năng lực” lúc nào cũng bắt đầu từ sự thay đổi trong nhận thức, tư duy.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn