Câu chuyện chai nước

Cập nhật ngày: 01/05/2019 08:27:14

http://baodongthap.com.vn/database/video/2019050108281630-4 Cau chuyen chai nuoc-Xich Lo.mp3

Mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi được chia sẻ những hình ảnh thấy thật cảm động! Đó là các cán bộ, chiến sĩ Công an Đất Sen hồng lập các điểm tiếp nước miễn phí cho bà con làm ăn ở xa về nghỉ lễ đi ngang qua địa bàn.

Hình ảnh này thật ra không phải là mới mà đã có trước đây, nếu nhớ không lầm, xuất phát từ thị xã vùng biên của mình để đến hôm nay lan toả ra nhiều nơi khác.

Ai đó đã nói rằng: “Không có bất kỳ công việc gì nhỏ nhoi cả, chỉ có không tìm ra giá trị trong công việc của mình mà thôi!”. Như vậy, các cán bộ, chiến sĩ Công an quê mình đã tìm thấy giá trị từ công việc đầy tính nhân văn như là chuyện tiếp từng chai nước, cái khăn... Nghĩa cử đó sẽ giúp bà con mình xa quê vơi đi nhọc nhằn dưới trời nắng như đổ lửa trên hành trình về thăm quê nhà. Một công việc hoàn toàn từ tấm lòng của những người được khoác lên bộ quân phục “Công an nhân dân”. Hai chữ “nhân dân” đâu chỉ gói gọn trong thực hiện chức năng giữ gìn bình yên cho cuộc sống nhân dân, mà còn thể hiện ở biết bao mối quan hệ đời thường với nhân dân hàng ngày.

Ông bà mình nói: “Của cho không bằng cách cho!”. Và cái cách mà cán bộ, chiến sĩ Công an trao tận tay món quà nghĩa tình cho bà con qua đường chưa từng quen biết mới đáng trân trọng làm sao. “Hạnh phúc là cho đi”. Các cán bộ, chiến sĩ Công an làm những công việc như đem đến nước uống, thức ăn kịp lúc, kịp thời cho bà con mình cũng là cách tìm niềm vui trong mỗi công việc và cũng chính là biết tạo ra hạnh phúc cho chính mình. Hạnh phúc đôi khi đâu có gì xa xôi, lớn lao. Hạnh phúc có khi chỉ là biết cho đi. Hạnh phúc khi mình tự nguyện làm những gì mình thấy có ích cho người dân, cho xã hội. Hạnh phúc đó sẽ trọn vẹn khi từng cán bộ, chiến sĩ làm công việc trên bằng cảm xúc tự thân trong tim của mỗi người.

Câu chuyện cán bộ, chiến sĩ Công an tổ chức trao từng chai nước, cái khăn... còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Hình ảnh người Công an nhân nhân thân thiện, chu toàn, sẽ góp phần tạo ra niềm tin vững chắc cho xã hội. Niềm tin đó là cội nguồn sức mạnh, là chất men gắn kết giữa lực lượng Công an và nhân dân. Và từ sự gắn kết đó, người dân đều thấy mình được tôn trọng và khi ấy tự thấy mình phải có nghĩa vụ góp phần cùng tạo ra xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tình thương lan tỏa thành tình thương. Mỗi người khi nhận được lòng tốt từ người khác sẽ trở thành người tốt và tiếp tục lan tỏa điều tốt đó đến người khác nữa. Ân tình sẽ được nhân lên nhiều ân tình khác. Và như vậy xã hội sẽ tốt đẹp lên biết bao. Điều nhỏ nhoi đó có khi lay động tâm thức lòng người.

Nhớ lại, một chủ doanh nghiệp từng chia sẻ một câu chuyện thật đáng để suy ngẫm. Những ngày lễ, Tết, doanh nghiệp đều có những phần quà để trao tặng những gia đình khó khăn trong cuộc sống. Cách làm từ trước đến nay là chở quà xuống địa phương rồi nhờ cấp uỷ, chính quyền mời dân tập trung đến để trao. Tết vừa rồi thì doanh nghiệp không tổ chức như vậy, mà giao cho công nhân mang quà đến từng gia đình để trao tặng cho bà con. Và, nhiều công nhân khi đến nơi chứng kiến những khó khăn của bà con, nên ngoài phần quà chung của Công ty, còn tự bỏ tiền ra để đóng gớp thêm. Món quà bổ sung có thể không lớn nhưng thật nghĩa tình, thật ấm áp làm sao! Và khi chứng kiến những cảnh đời trắc trở chúng ta sẽ tự nhủ rằng mình cần sống tốt hơn, làm việc tốt hơn.

Câu chuyện như trên nói lên không chỉ bằng những món quà “vật chất hữu hình”, mà còn là những “cảm xúc vô hình” khi con người đến với nhau, san sẻ với nhau. Hạnh phúc sẽ được tạo ra và mang đến cho cả người nhận và cả người cho. Muốn làm việc gì thì ai cũng phải cần đến động lực, động lực bên trong và động lực bên ngoài. Động lực bên ngoài có thể đến từ mệnh lệnh từ ai đó, vật chất của ai đó, khen thưởng của cấp nào đó. Động lực bên trong là tự mình thấy việc đó cần làm, nên làm, phải làm, làm vì sự thôi thúc từ bên trong tâm thức. Một khi làm một cách hoàn toàn tự nguyện, làm mà không cần phải bị thúc ép hay để được ban thưởng thì khi ấy sẽ toàn tâm, toàn ý để làm và làm một cách sáng tạo nhất.

Trở lại câu chuyện các cán bộ, chiến sĩ Công an tiếp từng chai nước, cái khăn mát..., càng ngẫm càng thấy nhiều điều hay. Nếu từng đơn vị trong ngành Công an quê mình cũng hình thành cách tư duy như vậy, chắn chắn còn nhiều mô hình thiết thực, đáng trân trọng hơn nữa ra đời. Niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đâu chỉ đo đếm bằng các chiến công, bằng những thành tích nghiệp vụ, mà đôi khi chỉ nằng những việc nhỏ mà không nhỏ như vậy. Xã hội còn nhiều lắm những vấn đề cần có cách tiếp cận khác nhau - có khi bằng cách sử dụng sức mạnh của công cụ, có khi bằng chính cách tạo ra niềm tin xã hội - để lực lượng xã hội tham gia cùng giải quyết những vấn đề xã hội.

Làm sao cái tốt đẹp ngày càng sinh sôi nảy nở, để che lấp, chôn vùi cái xấu, lại có khi bắt đầu từ một hành động nhỏ mà ẩn chứa giá trị lớn. Ông bà mình dạy: “Lạt mềm nhưng buộc chặt” mà!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác