Quy trình làm hồ sơ, bệnh án tâm thần vẫn còn kẽ hở?

Cập nhật ngày: 13/08/2018 09:15:20

Đã có hai cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến đường dây làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng giang hồ “chạy tội”. Câu hỏi đặt ra, vậy kẽ hở nào trong quy trình làm hồ sơ, bệnh án tâm thần để người có chuyên môn có thể “lách” giấy tờ này, tiếp tay cho tội phạm?


BS La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ1, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Tâm thần học Việt Nam

Vụ án làm bệnh án tâm thần để trốn tránh xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Căn cứ tài liệu thu thập, cơ quan chức năng phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ. Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để tiếp tục điều tra.

Về vụ việc này, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: "Tôi đã nghe thông tin xôn xao về việc này từ khá lâu, đã có văn bản chỉ đạo và trao đổi với Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, thu thập đầy đủ bằng chứng. Bác sĩ nào tham tiền, không làm chủ được sẽ vướng vào vòng lao lý".

Cần quy định chặt chẽ hơn khi làm hồ sơ bệnh án tâm thần

Trước câu hỏi liệu quy trình để làm hồ sơ, bệnh án tâm thần liệu đang có “kẽ hở” nào không, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, BS La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ1, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Tâm thần học Việt Nam cho rằng, có nhiều trường hợp làm hồ sơ, bệnh án không cần hội chẩn nên dẫn tới việc cán bộ y tế tự đưa ra chẩn đoán người bệnh mắc tâm thần để làm hồ sơ, bệnh án tâm thần.

Hiện có hai loại hồ sơ, bệnh án tâm thần điều trị cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Với bệnh nhân nội trú, sau khi khám sẽ được chỉ định vào viện điều trị. “Trường hợp nào khó chẩn đoán, khó điều trị thì khoa yêu cầu hội chẩn. Trường hợp nào không cần thiết, có đủ triệu chứng bệnh thì bác sĩ tự kết luận. Sau đó, khi trải qua quá trình điều trị ổn, lúc bệnh nhân ra viện mới có chẩn đoán chính thức trong hồ sơ, bệnh án”, BS Cương cho hay.

Theo quy định của Bộ Y tế, không phải trường hợp bệnh nhân tâm thần nào cũng phải tiến hành hội chẩn. Trường hợp nào khó chẩn đoán hoặc chẩn đoán đúng rồi mà điều trị khó thì sẽ phải hội chẩn.

Tuy nhiên, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 còn có thêm những quy định chặt chẽ hơn như: bệnh nhân khám lần hai mà có chẩn đoán khác với lần đầu khám thì phải hội chẩn; bắt buộc hội chẩn với bệnh tâm thần phân liệt và động kinh ngay khám lần đầu; phải hội chẩn khi người bệnh tâm thần có bệnh kết hợp (như bệnh nội khoa). Bệnh viện cũng thực hiện lăn vân tay người bệnh vào bệnh án để tăng cường kiểm soát việc đúng người, đúng bệnh, hạn chế tối đa việc không có người đến khám, chữa bệnh mà cũng có bệnh án.

Cũng theo nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ1, tất cả các trường hợp khi vào viện điều trị phải có giấy cam đoan hiện tại không liên quan đến pháp luật. Trường hợp nào phát hiện liên quan đến pháp luật mà đang điều trị, bệnh viện sẽ cho ra viện, không làm chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.

BS Cương cho rằng, không phải cứ có hồ sơ, bệnh án chẩn đoán tâm thần được miễn hay giảm trách nhiệm hình sự mà phải phụ thuộc vào giám định của Viện Pháp y tâm thần xem đối tượng mắc tâm thần hay không. Kết luận của cơ quan điều tra về giảm hay miễn trách nhiệm hình sự phụ thuộc khi người gây án đang ở trạng thái có bị bệnh chi phối hay không. Hiện nay các văn bản pháp luật hướng dẫn chưa đầy đủ, mới chỉ quy định người gây án đang giai đoạn phát bệnh, do đó theo BS Cương phải căn cứ vào lúc gây án, tình trạng bệnh chi phối hành vi, tư duy của người bệnh như thế nào.

“Thí dụ, người mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng chi phối nhiều hành vi nhưng không phải bệnh hoang tưởng nào cũng chi phối. Có hoang tưởng chi phối bản thân, có hoang tưởng chi phối bên ngoài, có giai đoạn hoang tưởng di chứng lại, hoặc có trường hợp chi phối rất ít. Nên quy trình giám định phải cần hội đồng hội chẩn chặt chẽ”, BS Cương nói.

Nói về đường dây làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần xảy ra tại bệnh viện mình từng quản lý, nguyên Giám đốc La Đức Cương cho rằng, nếu quy định chặt chẽ thì các trường hợp khi làm hồ sơ, bệnh án tại viện phải hội chẩn sẽ tránh được những sự cố tiếp tay cho đối tượng giang hồ. Việc cán bộ y tế bị "mua chuộc" vừa qua cho thấy quy trình làm hồ sơ, bệnh án còn kẽ hở, cán bộ y tế bị sa ngã. "Tôi cho rằng thầy thuốc cần phải có trình độ chuyên môn tốt, phải trau dồi và có ý thức trách nhiệm với nghề của mình. Các cơ sở y tế cần phải tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm nghề nghiệp thường xuyên để cán bộ y tế không bị cám dỗ, bán rẻ bản thân", BS Cương đề nghị.

Khó khăn trong giám định tâm thần

Các trường hợp có liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải được giám định có mắc bệnh tâm thần hay không tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Sau khi giám định, đối tượng mắc bệnh sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng gửi đi điều trị.

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp có hai quy định, giám định cá nhân và giám định tập thể. Việc yêu cầu hình thức giám định nào cho đối tượng sẽ phụ thuộc vào cơ quan tố tụng yêu cầu cá nhân giám định viên thì giám định viên phải chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối. Còn nếu trưng cầu tổ chức giám định thì tổ chức sẽ phân công giám định viên thực hiện và hội đồng đó phải chịu trách nhiệm nếu cùng một quyết định.

Tuy nhiên, công tác giám định tâm thần cũng gặp rất nhiều khó khăn. TS Ngô Văn Vinh, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho biết, có không ít ca giám định hóc búa. Có không ít bệnh nhân giả mắc bệnh hoặc giả bệnh nặng hơn để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.

Do đó, người giám định viên cần phải thu thập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ của đối tượng. Sau khi thu thập hồ sơ, người giám định phải theo dõi đối tượng lâm sàng và cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu bệnh nhân cố ý giả bệnh, giám định viên sẽ kết luận không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh. Có những trường hợp cơ quan tố tụng nghi ngờ có bệnh tâm thần, tài liệu kết luận có bệnh tâm thần nhưng sau khi theo dõi, khám thì đối tượng kết luận không có bệnh tâm thần. Nếu trong trường hợp các thành viên trong ban giám định không kết luận được kết quả giám định được phép bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của cá nhân đó.

TS Vinh cho hay, thời gian giám định tâm thần không quá 6 tuần, trung bình tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần làm từ 3-4 tuần. Trong trường hợp làm kéo dài quá 6 tuần phải thông báo với cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan giám định có quyền từ chối giám định cho đối tượng trong trường hợp không đủ thời gian, không đủ tài liệu, không đủ điều kiện (cơ sở vật chất). Khi thực hiện giám định tư pháp theo quy định tố tụng hình sự cá nhân, các giám định sẽ tham gia giám định nếu cố ý làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước khi xảy ra vụ việc làm giả hồ sơ bệnh án để chạy tội quy mô tại Hà Nội, đã có những trường hợp xảy ra tại bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên trong việc làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần để hưởng chế độ bảo trợ xã hội hay rút tiền bảo hiểm.

THIÊN LAM (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn