Những điều cần biết về bệnh đái tháo đường

Cập nhật ngày: 24/11/2016 06:18:57

Xã hội ngày càng hiện đại thì càng có nhiều căn bệnh mạn tính xuất hiện như: cao huyết áp, đái tháo đường (ĐTĐ),... Những bệnh này gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Trong đó, ĐTĐ là bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng điều đáng báo động hiện nay là trẻ em lại có tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ khá cao.


Ảnh internet

Bệnh ĐTĐ là gì?

Theo Hội ĐTĐ Hoa Kỳ, ĐTĐ là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insuline, khiếm khuyết hoạt động insuline, hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong ĐTĐ sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

Bệnh ĐTĐ được chia thành mấy loại?

Phân loại ĐTĐ theo Hội ĐTĐ Mỹ, năm 1997 (WHO 1998), ĐTĐ týp 1: ít gặp <10%, do miễn dịch: 95% hoặc vô căn; ĐTĐ týp 2: >90%

Các đối tượng nào dễ bị mắc bệnh đái tháo đường?

- ĐTĐ týp 1: tuổi khởi bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên, tuy vậy cũng có thể gặp ở lứa tuổi 90; thường có yếu tố bẩm sinh di truyền và có liên quan đến một số yếu tố môi trường (nhiễm virus trong thời kỳ bào thai, độc tố...); thường có phối hợp với một số bệnh tự miễn khác như bệnh Basedow, viêm tuyến giáp...

- ĐTĐ týp 2: tuổi trung niên, cao tuổi; béo phì; lối sống ít vận động, ăn thức ăn có nhiều năng lượng; tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và bệnh tim; tiền sử gia đình có người mắc bệnh ĐTĐ; tiền sử bị ĐTĐ thai kỳ; phụ nữ sinh con >4kg, đa ối hay bị sảy thai; một số nhóm chủng tộc/dân tộc có nguy cơ cao mắc ĐTĐ.

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường là gì?

Các triệu chứng tăng đường huyết: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều; đói thường xuyên hoặc đột nhiên đói; chứng khát nhiều hoặc khát thường xuyên; hay đi tiểu thường xuyên; sụt cân đột ngột; mờ mắt thoáng qua; cảm giác mệt mỏi hoặc khó chịu; khô da, ngứa toàn thân; dễ nhiễm trùng, vết thương chậm lành.

Những biến chứng của bệnh ĐTĐ là gì?

Biến chứng cấp tính

Hạ đường huyết: xảy ra khi đường huyết xuống dưới 3.6mmol/l (65 mg/dl). Nguyên nhân có thể là: quá liều thuốc hạ đường huyết (thuốc uống hoặc insulin); ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc; tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu... các triệu chứng như đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực...

Hôn mê do tăng đường huyết: đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu. Biến chứng này nặng và rất dễ tử vong, đòi hỏi người bệnh phải được cấp cứu ngay lập tức.

Biến chứng mạn tính

Các biến chứng trên mạch máu lớn gồm: bệnh mạch vành như bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim; tai biến mạch máu não như nhồi máu não, xơ vữa động mạch ngoại biên gây triệu chứng đi cách hồi, hoại thư ngọn chi.

Các biến chứng trên mạch máu nhỏ gồm: bệnh lý mạch máu võng mạc với hậu quả làm giảm thị lực có thể dẫn đến mù lòa, bệnh lý cầu thận như tiểu protein (tiểu đạm) có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối nếu không điều trị tích cực.

Biến chứng thần kinh gồm: viêm đa dây thần kinh ngoại biên, viêm đơn dây thần kinh, biến chứng thần kinh thực vật gây ra những biến đổi bất thường trên tim mạch, tiêu hóa hay hệ niệu sinh dục.

Bàn chân đái tháo đường: do sự phối hợp của nhiều biến chứng như biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng mạch máu ngoại biên, nhiễm trùng. Nếu không chăm sóc kỹ thì có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến đoạn chi.

Nhiễm trùng: do kiểm soát đường huyết kém nên đề kháng của cơ thể giảm làm dễ bị nhiễm trùng như: lao phổi, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng da,...

Các biện pháp phòng, chống bệnh ĐTĐ

Đối với những người chưa mắc bệnh ĐTĐ nhưng nằm trong nhóm có nguy cơ cao: thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp; giảm cân đối với những người có tình trạng béo phì; kiểm soát các bệnh lý đi kèm như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tim mạch.

Đối với những người đã mắc bệnh ĐTĐ theo hướng dẫn của Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương cần khám và xét nghiệm đường huyết định kỳ ít nhất mỗi tháng một lần; dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế; thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Riêng đối với những người bệnh ĐTĐ đã xuất hiện biến chứng, nhất là biến chứng bàn chân thì ngoài những biện pháp trên cần phải thực hiện đúng những hướng dẫn của cán bộ y tế để ngăn chặn hoặc cải thiện tình trạng biến chứng và lưu ý việc vệ sinh cá nhân các vết thương để tránh nhiễm trùng.

TT-TTGDSK

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn