Chủ động phòng bệnh trong mùa nắng nóng

Cập nhật ngày: 09/04/2018 09:35:18

ĐTO - Thời tiết oi bức và nắng nóng trong những ngày qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát triển, đặc biệt là các loại vi trùng đường tiêu hóa và hô hấp... Do đó, ngành y tế cảnh báo người dân cần chủ động phòng bệnh.


Trẻ em mắc bệnh do thời tiết nắng nóng đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp, bệnh nhân đến điều trị ngoại, nội trú mắc các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... tăng cao. Đây là những căn bệnh có thể khỏi sau vài ngày điều trị nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc tốt.

Theo bác sĩ (BS) Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng khoa dinh dưỡng BVĐK Đồng Tháp, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, những bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp tăng hơn so với những tháng trước đây. Đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp rất nguy hiểm nếu không xử lý đúng, không bù nước điện giải kịp thời thì ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, gây rối loạn điện giải rất nguy hiểm đến tính mạng

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng yếu và chưa có ý thức phòng bệnh khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Các bệnh thường gặp trong thời điểm này ở trẻ là tiêu chảy cấp, nhiễm siêu vi, tay chân miệng, rôm sảy, viêm mũi họng, viêm amidan. Những căn bệnh này cũng đang có dấu hiệu gia tăng khi các bệnh nhi đến khám điều trị tại các cơ sở y tế không ngừng gia tăng. Chị Phan Thị Thanh Giang ở ấp 2, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh đang chăm con bị bệnh điều trị tại BVĐK Đồng Tháp nói: “Mặc dù đã chủ động phòng bệnh cho con, nhưng do thời tiết quá nóng khiến con trai tôi bị viêm phổi nặng, ho liên tục... đã nằm viện gần 1 tuần nay, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con”.

BS.Phan Thanh Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết: “Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em, dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, nếu chống nóng bằng cách bật quạt gió mạnh trực tiếp thổi vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ bị nhiễm lạnh, viêm phổi...”.

Để chủ động phòng, chống bệnh trong mùa nắng nóng, BS.Ngô Thị Kiều Nga khuyến cáo: “Khi thời tiết nóng, để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần quan tâm đến chế độ ăn uống, nguồn thực phẩm phải được đảm bảo từ khâu chọn thực phẩm đến chế biến, bảo quản, không nên sử dụng các loại thực phẩm sau chế biến để lâu trong môi trường, các nguồn lây nhiễm dễ phát sinh; phải sử dụng nguồn nước qua xử lý an toàn hợp vệ sinh. Trẻ nhỏ ở trường học khi phát hiện có bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp tốt nhất cho bé nghỉ ngơi mau hồi phục và cách ly nguồn lây với trẻ khác...”.

Theo dự cáo của ngành y tế thời tiết nắng nóng như hiện nay, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp sẽ còn tiếp tục gia tăng. Vì thế người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là thường xuyên rửa tay đúng cách, vì đó là biện pháp hiệu quả loại bỏ tác nhân gây bệnh từ đôi bàn tay; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế ra nắng khi không cần thiết; đồng thời bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và tích cực tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin ngừa bệnh.

Bên cạnh đó, cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol..., tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn