Ứng dụng công nghệ vào sản xuất - cuộc cách mạng cho hạt gạo

Cập nhật ngày: 17/06/2017 07:12:42

ĐTO - Vì sao giá gạo của Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo cùng loại của nước bạn và nhiều đơn hàng gạo xuất khẩu bị đối tác trả về...? Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo hiện vẫn thiếu những công nghệ, thiết bị mới trong chế biến, bảo quản sau thu hoạch để tạo ra hạt gạo chất lượng cao.


Đại biểu tham khảo các thiết bị chuyên dụng chế biến gạo hiện đại của Công ty TNHH Buhler Farmila Việt Nam

Thực trạng trong sản xuất lúa gạo

Hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, ngoài việc do các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Philippines... thực hiện chính sách tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu thì các thị trường còn lại đang thay đổi phương thức nhập khẩu và thắt chặt hơn về tiêu chuẩn chất lượng.

Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm gạo xuất khẩu nói chung chủ yếu là xuất thô hoặc sơ chế hết sức đơn giản, vì vậy chưa tạo ra sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Với sự đầu tư công nghệ còn hạn chế cũng dễ hiểu vì sao gạo Việt Nam luôn có giá thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của nước bạn.

Ông Võ Hạnh Thìn - Trưởng Phòng khuyến nông trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh dẫn chứng, Việt Nam có sản lượng gạo xuất khẩu đứng hàng thứ 3 thế giới nhưng giá chỉ đứng ở mức thấp so với các nước. Đơn cử như gạo Jasmine Việt Nam có giá là 9.900 đồng/kg thì gạo Jasmin của Thái Lan giữ giá 17.100/kg và Jasmine của Campuchia 17.000 đồng/kg. Sự chênh lệch quá lớn về giá bán trên thương trường chính là vì sản phẩm gạo của họ đạt chất lượng, hàm lượng công nghệ trong sản xuất chế biến được đầu tư cao. Nhiều năm qua, điểm yếu nhất của nông sản Việt Nam là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Không chỉ vậy, hạn chế trong chế biến bảo quản cũng khiến thời gian qua nhiều đơn hàng gạo xuất khẩu bị các đối tác trả về vì chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chuyên gia chỉ ra rằng, do khâu công nghệ thiết bị chế biến, bảo quản đã lỗi thời dẫn đến gạo bị ẩm vàng trong quá trình lưu trữ vận chuyển. Ngoài ra, việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong gạo cao cũng là nguyên nhân khiến gạo xuất khẩu bị trả về...

Thực trạng chưa tiếp cận với các thiết bị công nghệ tiên tiến dẫn đến việc rất ít doanh nghiệp trong nước khai thác các giá trị gia tăng từ gạo. Ông Thìn cho biết, Đồng Tháp sở hữu diện tích canh tác lúa khá lớn, sản lượng lúa hàng năm là trên 3,3 triệu tấn. Với sản lượng trên, hàng năm cho trên 680.000 tấn trấu và 224.000 tấn cám. Các phụ phẩm này mang nhiều tiềm năng lớn. Đơn cử như vỏ trấu có thể ép thành củi trấu để làm nguyên liệu đốt (2kg trấu tương đương 1kg than đá), cám gạo có thể trích ly để lấy dầu, phôi gạo có nhiều chất dinh dưỡng vẫn chưa được khai thác triệt để...

Đầu tư công nghệ định vị hạt gạo nước nhà

Nhằm khắc phục những hạn chế đang tồn tại, giúp hạt gạo nước nhà định vị trên thị trường thế giới, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm; khai thác tốt các giá trị gia tăng thì một trong những giải pháp tối ưu chính là tiếp cận, đầu tư công nghệ phù hợp vào quy trình sản xuất, chế biến gạo.

Theo ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, khoa học công nghệ được xem là chìa khóa trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp cũng không thể thiếu yếu tố này. Hiện tại, việc sản xuất, chế biến bảo quản theo kiểu truyền thống đã không còn phù hợp. Tình trạng nông sản chỉ xuất thô thì không thể mang lại thu nhập cao cho người nông dân.


Công ty Cỏ May là một trong những doanh nghiệp có hệ thống thiết bị chế biến gạo hiện đại

Với sứ mệnh giúp định vị hạt gạo trên thương trường bằng các công nghệ mới, vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Công ty Buhler Farmila Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của công nghệ trong việc gia tăng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo”. Qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến xuất khẩu gạo có dịp tiếp cận các thiết bị chuyên dụng cho chế biến gạo từ công ty Buhler như máy bóc vỏ, máy tách trấu, máy tách thóc, máy xát trắng, máy đánh bóng, máy phân loại quang học... Các sản phẩm của công ty vừa hiện đại vừa giúp các doanh nghiệp giải quyết tốt các nút thắt mà gạo Việt Nam đang gặp phải, nhất là khâu tồn trữ và chế biến.

Theo ông Lương Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Buhler Farmila Việt Nam, việc đầu tư các công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí trong sản xuất (tăng tỷ lệ thu hồi, tiết kiệm điện, giảm nhân công vận hành), kiểm soát chất lượng thành phẩm toàn diện đảm bảo chất lượng ổn định, giảm thiểu sự phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của con người; nâng cao giá trị thành phẩm (sạch hơn, chất lượng hơn)...

Ông Lăng Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc chia sẻ: “Sa Đéc là địa phương có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo trực tiếp và ủy thác. Việc tiếp cận công nghệ tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành công hơn, qua đó từng bước khẳng định thương hiệu gạo nước nhà, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng theo đúng tinh thần của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận sâu hơn các công nghệ mới, có nhiều sự lựa chọn để áp dụng vào sản xuất thực tế, các ngành hữu quan tỉnh cần tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị nhiều hơn nữa”.

Nhiều năm qua, xuất khẩu gạo của tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung chịu áp lực rất lớn về đầu ra sản phẩm.

Trong năm 2017, tình hình xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý 1/2017 là 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 565 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và giảm trên 17% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo của tỉnh 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, số hợp đồng cũ gối đầu từ năm 2016 chuyển sang ít, trong khi hợp đồng mới phát sinh không nhiều. Kim ngạch xuất khẩu gạo trong 6 tháng của tỉnh đạt trên 41 triệu USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2016.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn