Tiếp tục phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 14/09/2023 15:10:06

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230914031103DT2-4.mp3

 

ĐTO - Thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023, đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất tốt ngành hàng... Qua đó đưa giá trị tăng thêm toàn ngành 9 tháng đầu năm ước đạt 16.558 tỷ đồng, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2022, bằng 99,8% so chỉ tiêu theo kế hoạch 9 tháng đầu năm và chiếm 77,8% so với kế hoạch năm 2023.


Thu hoạch cá tra, ngành hàng thế mạnh của tỉnh

Tình hình tiêu thụ và hiệu quả sản xuất ổn định

Theo đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 23.111 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 1.248 tỷ đồng), chiếm 77,6% kế hoạch năm 2023..

Đáng chú ý là giá trị dịch vụ nông nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 2.334 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 107 tỷ đồng) và bằng 92,2% kế hoạch năm. Qua đó, cho thấy quá trình chuyển giao dịch vụ ứng dụng trong nông nghiệp tạo ra giá trị tăng thêm rất tốt, xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến hiện đại trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình tiêu thụ và hiệu quả sản xuất 9 tháng đầu năm ổn định. Đặc biệt là giá lúa dao động từ 6.700 - 6.800 đồng/kg (tăng từ 955 - 1.175 đồng/kg) đưa lợi nhuận tăng từ 6,8 - 8,1 triệu đồng/ha so với cùng kỳ. Sản phẩm cá tra, giá bán bình quân đạt 27.700 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 929 đồng/kg. Với mức giá bán này, phần lớn các doanh nghiệp có chuỗi giá trị có thể lãi ít nhưng đối với hộ nuôi nhỏ lẻ hầu như là bị lỗ. Nhóm cây hoa màu chính có giá bán dao động từ 7.500 - 15.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân từ 12,1 - 77 triệu đồng/ha. Nhóm cây ăn trái có giá bán bình quân đạt 14.000 - 20.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 16 triệu - 179 triệu đồng/ha.

Về đầu tư phát triển hạ tầng các vùng nguyên liệu được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, Dự án phát triển vùng sản xuất màu trọng điểm xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò giải ngân đạt 90,94% kế hoạch năm 2023; xây dựng hạ tầng nông nghiệp vùng trồng khoai lang xã Hòa Tân, huyện Châu Thành giải ngân đạt 30,82%; xây dựng hạ tầng phát triển vùng nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển, huyện Tháp Mười; xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Đây là những vùng nguyên liệu mang tính chất tập trung, đầu tư có trọng điểm, tạo nên chuỗi liên kết các vùng nguyên liệu.

9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới được 8/7 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đạt 114% so với kế hoạch; tổng số tổ hợp tác nông nghiệp trên toàn tỉnh là 931 tổ hợp tác và có 52 trang trại; thành lập mới 8 hội quán.

Đến nay, toàn tỉnh có 109 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và có 18 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Ước cả năm có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM; có thêm 18 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu, có thêm 3 huyện (huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành) đạt chuẩn huyện NTM. Hiện nay, các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện những tiêu chí chưa đạt, thiết lập hồ sơ đề nghị thẩm định. Đến nay, có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao...

Phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn 9 tháng đầu năm còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Theo đó, công tác liên kết tiêu thụ lúa vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định về tính bền vững giữa doanh nghiệp và các vùng nguyên liệu. Hiện tượng cò lái can thiệp mua 1 phần với giá cao hơn hợp đồng liên kết với số lượng ít, gây ảnh hưởng đến hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và HTX.

Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm do giá bán thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, doanh nghiệp ký kết đơn hàng không nhiều, trong khi sản phẩm chế biến tồn kho còn nhiều, thời gian nuôi kéo dài làm tăng chi phí sản xuất. Hiện tại, chưa có nhà đầu tư tham gia phát triển công nghiệp giết mổ, sơ chế, chế biến các sản phẩm chăn nuôi nên khâu quản lý chất lượng sản phẩm thịt sau giết mổ lưu thông ngoài thị trường còn gặp một số khó khăn. Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, hiện trạng sụt lún, sạt lở bờ sông, khu vực nội đồng xảy ra với tần suất nhiều.

Theo ngành nông nghiệp, ước cả năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 49.394 tỷ đồng và giá trị tăng thêm ước đạt 21.406 tỷ đồng, tăng 4,3% so thực hiện năm 2022 (tương ứng tăng 886 tỷ đồng). Theo đó, trong 3 tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Từ những thuận lợi khó khăn thực tế, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp năm 2023 để vào cuộc lãnh đạo sâu sát, có hiệu quả. Phấn đấu giá trị sản xuất trồng trọt 3 tháng cuối năm 2023 đạt trên 7.010 tỷ đồng. Tận dụng cơ hội sản xuất thuận lợi tập trung quản lý tốt kế hoạch sản xuất (vụ thu đông, đông xuân), xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo, cây ăn trái. Theo sát công tác quản lý chất lượng mã vùng trồng, dự báo sản lượng thu hoạch để chủ động liên kết. Tập trung phát triển mô hình liên kết doanh nghiệp và vùng nguyên liệu, gắn kết hài hòa giữa các bên trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản, nhất là cá tra nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh cũng như kịp thời hỗ trợ, xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất. Ngành nông nông nghiệp tiếp tục cung cấp sản lượng dự kiến thu hoạch cho ngành công thương để có giải pháp kết nối tiêu thụ.

Đối với chăn nuôi, phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi 3 tháng cuối năm 2023 đạt trên 726 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng HTX nông nghiệp, rà soát xây dựng nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả, chủ động thay đổi phương thức sản xuất mới, nâng cao năng lực liên kết bền vững; tiếp tục theo dõi hỗ trợ các địa phương chủ động tăng tốc thực hiện các tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định công nhận xã NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu huyện NTM; thực hiện đánh giá chất lượng xếp hạng sao các sản phẩm đăng ký OCOP.

Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nhu cầu về dữ liệu đối với nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp sau thời gian thử nghiệm; chủ động hoàn thiện các kế hoạch, đề án, dự án, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp làm cơ sở triển khai các giải pháp có hiệu quả tái cơ cấu ngành hàng nông nghiệp trong thời gian tới; thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực phòng, chống thiên tai, sạt lở...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm là giá lúa tăng mạnh mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Cây ăn trái không xảy ra tình trạng trúng mùa mất giá, phải giải cứu; giá trị sản xuất thủy sản giảm nhưng doanh nghiệp, người nuôi vẫn giữ vùng nuôi và điều hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh quản lý sản xuất, phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân trong canh tác. Đồng thời quan tâm phát triển 2 mặt hàng chiến lược của tỉnh là lúa gạo và cá tra, trong đó duy trì sản lượng tránh đứt gãy nguồn nguyên liệu cung ứng cho ngành chế biến vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM, đặc biệt các ngành cần hỗ trợ 3 huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2023...

 Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn